Trả lại giới tính thật: Con tạo trớ trêu

Hầu hết những đứa trẻ khi lên bàn mổ chưa ý thức được sự trớ trêu của tạo hóa đang tồn tại trên cơ thể mình. Vì vậy, trả lại cho các cháu giới tính thật là mơ ước của những đấng sinh thành.

Các bác sĩ Khoa Ngoại thận tiết niệu Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vừa phẫu thuật “sửa” lại giới tính cho “bé gái” N.K.H (3 tuổi, ngụ huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) sau hơn 2 năm kể từ khi gia đình phát hiện sự bất thường. Tuy nhiên, để hoàn thiện bộ phận sinh dục cho giống với vẻ bề ngoài cũng như giới tính thật là con trai, bé H. sẽ phải trải qua ít nhất 2 lần phẫu thuật.

Sự nhầm lẫn tai hại

Gương mặt kháu khỉnh của một bé trai nhưng ít ai ngờ H. lại mang một cái tên “rặt” con gái. Ôm cậu con trai vào lòng, chị L.T.T (26 tuổi) cho biết khi mới sinh, bác sĩ và gia đình tưởng cháu là con gái vì bộ phận sinh dục ngoài giống nữ. Vì thế, ông nội đã đặt cho cháu tên H. rất nữ tính.

Lúc H. được 5 tháng tuổi, thấy “chỗ ấy” phát triển không như những đứa trẻ khác nên gia đình đưa đến BV Nhi Trung ương và phát hiện là con trai. “Nghe tin này, vợ chồng tôi rất bàng hoàng, không hiểu vì sao đứa con đầu lòng lại mang nỗi bất hạnh đến vậy” - chị T. kể.

Theo chị T., thời điểm đó, H. còn nhỏ quá, chưa thể phẫu thuật nên gia đình rất hoang mang. Nhiều khi bế con ra đường chơi, nghe mọi người khen “bé H. càng lớn càng giống con trai” mà lòng chị xót xa, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. “Khi con đã đến tuổi học mẫu giáo, vợ chồng tôi không dám cho đến trường vì sợ cháu mặc cảm với bạn bè. Lần phẫu thuật này, tôi phải nói dối mọi người là đưa con đi chữa bệnh” - chị T. buồn bã.

Trả lại giới tính thật: Con tạo trớ trêu - 1

Một bệnh nhi đang chờ làm thủ thuật xác định giới tính tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM. Ảnh: ANH THƯ

Bác sĩ Lê Anh Dũng - Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu BV Nhi Trung ương, người trực tiếp “sửa” lại bộ phân sinh dục cho bé H. - cho biết khi khám bộ phận sinh dục của cháu thì thấy ở giữa là dương vật, hai bên có 2 tinh hoàn nhưng nhìn ngoài như 2 môi lớn. Kết quả siêu âm xác định cơ quan sinh dục ngoài của bệnh nhi có tinh hoàn ẩn, bên trong không tồn tại tuyến nội tiết nữ và cơ quan sinh sản nữ là buồng trứng, tử cung. Đặc biệt, cháu H. mang gien XY46 - “mã vạch” giới tính nam.

“Bản chất của cháu H. là nam và có cơ quan sinh dục ngoài của trẻ trai nhưng bị vùi lấp do “chỗ ấy” phát triển không bình thường. Tuy nhiên, việc “sửa” giới tính khá phức tạp vì cháu H. có lỗ niệu đạo và cả âm đạo nên sẽ phải mất nhiều thời gian” - bác sĩ Dũng cho biết.

Những câu chuyện buồn

Không may mắn được phát hiện và điều trị sớm như bé H., cháu N.T.T.U (13 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) mới được phẫu thuật trả lại giới tính nam mà tạo hóa đã lỡ đặt nhầm. Mang hình hài con gái từ khi lọt lòng nhưng đến 3 tháng tuổi, trong một lần tắm cho U., gia đình mới phát hiện cháu có 2 “hòn” 2 bên.

“Các bác sĩ BV Nhi Trung ương cho biết con tôi là trai vì có 2 tinh hoàn, bị thoát vị bẹn và hẹn 3 tháng sau khám lại. Càng lớn, cháu càng giống con trai từ vẻ bề ngoài đến tính cách, hàng xóm bảo con tôi ái nam ái nữ. Thấy U. mặc cảm vì bạn bè trêu chọc là “ái” nhưng không có tiền nên chúng tôi cứ lần lữa đến tận bây giờ mới đưa cháu đi phẫu thuật” - mẹ U. xót xa.

Với chị N.T.N.A (ngụ Quảng Ninh), hành trình đưa con đi tìm lại giới tính cũng là một câu chuyện buồn. Ba năm kể từ khi sinh cậu con trai thứ hai, niềm vui chưa kịp đến thì gia đình chị phải đón nhận tin dữ: Càng lớn, bộ phận sinh dục của T. càng khác lạ, dương vật lặn sâu vào bên trong, tinh hoàn không phát triển, tiểu tiện rất khó khăn. Sau khi đến BV Nhi Trung ương làm xét nghiệm, bác sĩ thông báo hiện tượng của cháu T. là nữ giả nam. “Từ đó, gia đình phải chạy vạy ngược xuôi, tìm mọi cách để hy vọng giúp con trở lại như những đứa trẻ bình thường” - chị A. không cầm được nước mắt.

Với L., mỗi lần nghe bác sĩ gọi bằng tên khai sinh, bé vẫn không hề hay biết bởi cái tên rất nam tính đó đã không còn được gia đình dùng nữa kể từ năm L. 1 tuổi. Năm nay, cháu đã được 4 tuổi và chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật quan trọng để trả lại một cơ thể ăn khớp với giới tính nữ của mình.

Là một người làm nông ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, trước giờ mẹ cháu L. chưa được biết nhiều về những trường hợp tương tự con mình. Vì thương con, chị cố gắng tìm hiểu sự việc và tạo cho cô bé một môi trường sống bình thường. Dẫu chưa thể xác định lại giới tính, đổi tên trong khai sinh nhưng chị đã tìm cho con một cái tên rất nữ tính. Đến tuổi đi nhà trẻ, chị cũng giải thích cặn kẽ với cô giáo để bé được gọi bằng cái tên con gái và sinh hoạt như những bạn bè cùng giới, dẫu theo giấy tờ thì cháu vẫn là cậu bé tên L.

Bây giờ, khi L. đã ở vào tuổi bắt đầu ý thức về cơ thể mình, mẹ cháu vội thu xếp vào TP HCM, đến BV Nhi Đồng 2 để “sửa” lỗi cho con. “Con sắp được phẫu thuật, tôi vừa mừng vừa lo. Chỉ mong các bác sĩ cố gắng giúp cháu trở lại bình thường như mọi người…” - chị không giấu hy vọng.

Bà Hà Thị Thu Thủy - điều dưỡng trưởng Khoa Thận niệu, nơi L. đang điều trị - cho biết cháu bị phì đại âm vật khiến cơ quan sinh dục nhìn bên ngoài có thể nhầm lẫn là bé trai. “Bệnh nhi sẽ được phẫu thuật trong thời gian tới, đồng thời cấp một tấm giấy chứng nhận để gia đình có thể đến cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh tên, giới tính cho cháu” - bà Thủy nói.

TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2, nhớ mãi câu chuyện về một người mẹ khác. Khi mới sinh ra, các bác sĩ nghi ngờ con của chị bị dị tật ở bộ phận sinh dục nên đã cho xét nghiệm Karyotype (nhiễm sắc thể đồ) và xác định là bé trai dù bên ngoài thì ngược lại do dị tật lỗ tiểu thấp. Tuy nhiên, sai sót đã xảy ra trong quá trình cấp giấy chứng sinh, khai sinh nên trên giấy tờ vẫn ghi bé là con gái. Trong nhiều năm, người mẹ ấy đã tìm đến các cơ quan chức năng để yêu cầu sửa lại giới tính cho con nhưng không được.

Vừa qua, nghe tin BV Nhi Đồng 2 có chức năng thực hiện dạng phẫu thuật này nên chị vội tìm đến. “Qua trình bày của chị, tôi hiểu được người mẹ này đã vất vả vì con như thế nào. Rất may, chúng tôi đã được phép cấp giấy chứng nhận để chị có thể về địa phương yêu cầu cơ quan chức năng sửa lại giới tính cho con” - bác sĩ Định kể.

Kỳ tới: Khơi mầm hy vọng

Khó chẩn đoán trước sinh

Bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền BV Nhi Trung ương, cho biết hiện nay, bệnh rối loạn phát triển giới tính đã được quan tâm nhiều hơn. Một năm có khoảng 40-50 trường hợp tới khoa này để xác định lại giới tính, trong đó có khoảng 20 trẻ gái bị thượng thận bẩm sinh và 10-20 trẻ bị bệnh khác liên quan tới rối loạn phát triển giới tính.

Theo bác sĩ Thảo, bệnh thượng thận bẩm sinh gây nam hóa ở trẻ gái hay nữ hóa ở trẻ trai là do bất thường về gien, xảy ra trong thời kỳ bào thai, trong một số trường hợp thì có thể chẩn đoán và can thiệp trước sinh. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ áp dụng cho người mẹ chuẩn bị sinh con thứ 2 mà con đầu đã xác định mắc bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG - ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN