TPHCM: Vì sao nhiều trẻ sơ sinh nguy kịch vì uốn ván?

Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM liên tục tiếp nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh mắc uốn ván rất nặng được chuyển đến từ các địa phương.

Bác sĩ cảnh báo, sau thời gian tạm lắng, bệnh uốn ván bất ngờ gia tăng, nguy cơ tái phát ở những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi người đồng bào sinh sống.

Ngày 15/8, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, trong khoảng 1 tháng qua tại đây liên tục tiếp nhận 4 trẻ bị bệnh uốn ván sơ sinh. Hiện 1 trường hợp đã được điều trị ổn định và xuất viện, 3 trường hợp đang phải theo dõi, điều trị tích cực, trong đó có 2 trẻ phải thở máy.

Trẻ sơ sinh mắc uốn ván đang phải thở máy, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Trẻ sơ sinh mắc uốn ván đang phải thở máy, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: Từ năm 2005, Việt Nam đã công bố loại trừ uốn ván sơ sinh. Tuy nhiên, đến nay bệnh uốn ván đang có nguy cơ quay trở lại. Trong giai đoạn đầu năm 2023, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh.

Đến tháng 7 thì có liên tiếp 4 trường hợp trẻ bị uốn ván sau khi chào đời phải nhập viện cấp cứu. Tất cả bệnh nhi đều là đồng bào dân tộc ít người (S’Tiêng, H’Mông) sinh sống ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trường hợp đang phải thở máy là bé Lầu Anh V (1 tháng tuổi) được gia đình chuyển đến bệnh viện Bình Phước thăm khám ở ngày thứ 3 sau sinh trong tình trạng bỏ bú, cứng hàm, co gồng toàn thân.

Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, các bác sĩ chẩn đoán bé bị uốn ván sơ sinh và tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới điều trị chuyên sâu. Các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, điều trị nội khoa tích cực chống co giật.

“Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát uốn ván sơ sinh, rất cần sự vào cuộc kịp thời của y tế địa phương trong tư vấn, thăm khám sức khỏe thai sản phù hợp, tổ chức chích ngừa uốn ván thai kỳ cho thai phụ và thực hiện triệt để chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sau khi chào đời”.TS.BS Phan Tứ Quí

Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, bé được sinh tại nhà. Gia đình đã nhờ bà mụ đến giúp sản phụ vượt cạn. Sau khi sinh, bà mụ dùng thanh tre để cắt rốn cho bé và đắp lá cây vào vùng rốn vừa cắt. Dụng cụ cắt rốn không được vô trùng, việc chăm sóc rốn sau sinh không có cơ sở khoa học là nguyên nhân khiến bé bị nhiễm vi trùng uốn ván.

Một trường hợp khác là bé sơ sinh con bà Giàng Thị H (ngụ tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu) được bệnh viện địa phương chuyển thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM với chẩn đoán bị uốn ván nặng. Bé cũng được sinh tại nhà và được bà đỡ dùng dao lam để cắt rốn. Khoảng 4 ngày sau sinh, bé bỏ bú, cứng hàm, co gồng toàn thân phải nhập viện cấp cứu.

Theo BS Phan Tứ Quí, nguyên nhân khác là trong giai đoạn thai kỳ người mẹ không được chích ngừa uốn ván. Thai nhi không có kháng thể bảo vệ nên khi chào đời gặp tác nhân gây bệnh đã bị vi trùng uốn ván tấn công. Vi trùng uốn ván sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thần kinh dẫn tới tổn thương thần kinh tủy sống khiến bệnh nhân bị cứng hàm, co giật toàn thân, rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim… và có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời.

“Khoảng 10 năm trước, tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh chiếm khoảng 80 - 90%. Hiện nay, với sự tiến bộ của các phương pháp điều trị, tỷ lệ tử vong chỉ còn khoảng 10%. Tuy nhiên, những trường hợp may mắn được phát hiện, nhập viện sớm thì thời gian điều trị để phục hồi cũng mất ít nhất 1 tháng với chi phí rất tốn kém” - TS.BS Tứ Quí cho hay.

Trước khi tìm ra vaccine, uốn ván đã tồn tại hàng trăm triệu năm mà không có phương pháp chữa

Trong lịch sử, uốn ván còn có tên gọi là căn bệnh ngày thứ 8 vì các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau tuần đầu tiên hoặc vào ngày thứ 8. Triệu chứng đau đớn nhất của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN