TP.HCM tiêm chủng sởi, rubella cho hơn 1,35 triệu học sinh
Ngày 01/10, Sở Y tế TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin sởi, rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn thành phố. Mục tiêu của chiến dịch là nhằm đạt 95% trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng để loại trừ 2 bệnh trên.
Tiêm chủng tại trường học
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chiến dịch tiêm vắc xin sởi, rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi sẽ được tiến hành trong 3 đợt với địa điểm tiêm là tại các trường học. Đợt 1 từ tháng 10-11/2014 cho đối tượng học sinh THCS, đợt 2 từ tháng 12/2014 đến 1/2015 cho học sinh tiểu học và đợt 3 từ tháng 2-3/2015 cho trẻ ở nhà trẻ và mẫu giáo. Ước tính thành phố có hơn 1,35 triệu trẻ em thuộc 3 cấp học này.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, để có thể tiến hành tiêm chủng tại trường học, phải đạt đủ tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh từ 80% trở lên. Nếu trường nào không đạt được tỷ lệ này, phải tổ chức truyền thông lại cho PHHS để thuyết phục cho con em tiêm phòng.
Trung tâm y tế dự phòng các quận huyện phải bảo đảm các điều kiện an toàn tiêm chủng. Bao gồm khám sàng lọc và đo thân nhiệt bắt buộc trước khi tiêm. Thành phố cũng cho phép tiêm tối đa 100 trẻ/điểm tiêm trong 1 buổi tiêm nhưng phải bảo đảm đầy đủ y dụng cụ, thuốc cấp cứu. Phối hợp với bệnh viện quận huyện bố trí xe cấp cứu theo cụm trường học.
Tiêm phòng sởi, rubella cho học sinh trường THCS Phú Định, Q.6 trong ngày 1.10. Ảnh: Quốc Ngọc
“Rào cản” phụ huynh
Theo kế hoạch, trong ngày 1/10, đã có 3 điểm tiêm đầu tiên được triển khai tại trường THCS Phú Định (Q.6), trường THCS Đỗ Văn Dậy và trường THCS Lý Chính Thắng cùng thuộc huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường đạt tỷ lệ phụ huynh đồng thuận từ 80% trở lên để có thể tiến hành tiêm chủng là trường Phú Định (đạt 90%) và trường Đỗ Văn Dậy (88%).
Trường THCS Lý Chính Thắng không thể tổ chức tiêm, do số lượng phụ huynh đồng thuận thấp, chỉ có 68%. Theo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn, phần lớn phụ huynh không đồng thuận tại trường này đều đưa ra lý do con mình đã tiêm đủ mũi, không muốn tiêm nữa. Trung tâm cho biết sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục để họ chấp thuận cho trẻ đi tiêm.
Giải thích về quy định này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết, nếu tại một trường nào đó, chỉ có sự đồng thuận của 40-50% phụ huynh mà vẫn cứ tiêm, sau đó phải trở lại tổ chức tiêm cho nhóm còn lại thì rất khó thực hiện. Do đó, phải làm theo kiểu cuốn chiếu mới có hiệu quả và nếu còn lại một số ít học sinh chưa tiêm, sẽ tổ chức tiêm vét vào một ngày nào đó. Đồng thời, cần làm tốt công tác vận động, trường nào đạt đủ tỷ lệ trên 80% sẽ tổ chức tiêm.