TP.HCM: Thêm ổ dịch thủy đậu tại trường học

Sự kiện: Bệnh thủy đậu

Đây là ổ dịch thứ hai xuất hiện tại trường học ở TP.HCM. Trong khi đó, ngành dự phòng thành phố mới chỉ nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ Y tế hứa hẹn sẽ có vắc xin trong thời gian sớm nhất.

Báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng Quận 5 (TP.HCM) ngày 5/3 cho biết, tại trường tiểu học Hàm Tử (P.1, Q.5) đã xuất hiện chùm 11 ca bệnh thủy đậu trên các em học sinh cùng học một lớp.

Ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên là ngày 3/3. Tính đến ngày báo cáo, đã có 11 trên tổng số 30 học sinh của lớp 4/5 mắc bệnh thủy đậu. Tổng số học sinh của trường là 904 em, với 24 lớp học. Theo phụ huynh học sinh, các em đã có dấu hiệu khởi bệnh từ ngày 28/2 đến 2/3 vừa qua.

Trung tâm y tế quận đã tiến hành phun Chloramine nồng độ 0,5% vào phòng học lớp 4/5 và toàn trường mỗi ngày. Thực hiện cách ly, cho các em mắc bệnh nghỉ học kể từ ngày phát bệnh cho đến khi các nốt đậu khô, đóng mài và rụng. Đồng thời, truyền thông về bệnh thủy đậu.

Như vậy, dịch thủy đậu đang tăng khá mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 214 ca thủy đậu, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 138 ca. Đáng lo ngại là đã xuất hiện 2 ổ dịch thủy đậu tại 2 trường học trên địa bàn Q.5 nói trên và tại Q.3.

TP.HCM: Thêm ổ dịch thủy đậu tại trường học - 1

Trẻ mắc thủy đậu được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM trong tháng 2/2014.

Trước đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đã xuất hiện chùm 10 ca mắc thủy đậu tại trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Ca đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng 2 tại trường. Sau đó, liên tục từ ngày 22 đến 26/2, có thêm 9 học sinh nữa mắc bệnh. Trong khi đó, có đến 8 ca học chung lớp với ca đầu tiên.

Trước tình hình không có vắc xin thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố - kêu gọi người dân áp dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh chung để phòng chống thủy đậu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác nữa.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho biết, cũng như dịch sởi đang bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, cách phòng bệnh và khống chế dịch thủy đậu hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin. Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng chỉ mới nhận được công văn của Cục Quản lý Dược thông báo rằng Cục đã làm việc với công ty nhập vắc xin, trong thời gian sớm nhất sẽ có vắc xin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ. Anh ([Tên nguồn])
Bệnh thủy đậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN