TPHCM quyết khống chế dịch COVID-19 trong tháng 8
Ngày 2/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo, các cấp chính quyền và người dân TPHCM thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh vào cuối tháng 7 và tiến tới khống chế dịch trong tháng 8/2021.
TPHCM đang thực hiện xét nghiệm nhanh 500 nghìn người/ngày để phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng
Diễn biến dịch rất khó lường
Theo giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, từ 6 giờ ngày 1/7 đến 6 giờ ngày 2/7, TPHCM ghi nhận thêm 533 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó 460 trường hợp đang cách ly, trong khu phong tỏa, 2 trường hợp phơi nhiễm và 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại các bệnh viện. TPHCM đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch điểm nhóm truyền giáo Phục hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng. Các ca bệnh chủ yếu ở khu nhà trọ, cụm dân cư, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng là nơi có môi trường chật hẹp hoặc thông khí kém đồng thời nhiều tiếp xúc gần nên dễ dàng lây lan, với yếu tố thuận lợi là chủng vi rút Delta.
Bộ Y tế cho biết trong ngày 2/7, Việt Nam ghi nhận thêm 545 ca mắc mới COVID-19 với 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 527 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (419), Phú Yên (40), Bình Dương (13), Quảng Ngãi (10), Long An (7), An Giang (6), Đồng Nai (5), Nghệ An (3), Đồng Tháp (3), Hưng Yên (3), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (3), Bắc Giang (2), Bắc Ninh (2), Tây Ninh (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hoà (1), Bình Phước (1), Trà Vinh (1), Hải Phòng (1), Lâm Đồng (1); trong đó 428 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, có thêm 148 bệnh nhân khỏi bệnh. Chiều 2/7, Tiểu ban điều trị thông báo 3 ca tử vong liên quan đến COVID-19 đều là bệnh nhân nam, cao tuổi ở TPHCM và Bắc Ninh. Như vậy hiện Việt Nam có 84 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hà Minh |
Ông Bỉnh cho biết, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đã kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến 18 giờ ngày 1/7, TPHCM đã có gần 840 nghìn người được tiêm vắc-xin trên tổng số gần 952 nghìn người đến tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm: 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4). Tất cả đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe đều ổn định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá diễn biến dịch bệnh tại TPHCM vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng, phạm vi không chỉ trong TPHCM mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận. TPHCM cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh…đặc biệt là cần tuân thủ giãn cách, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch… “Bộ Y tế khuyến cáo thành phố sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay thành phố mới sử dụng khoảng 128 nghìn trong tổng số 222 nghìn test nhanh. Sáng 2/7, 400.000 liều vắc-xin đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TPHCM”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức rà soát các khu vực, địa điểm cần thiết áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. “Các quận, huyện, TP Thủ Đức cần rà soát và giải tỏa các khu phong tỏa đã hoàn thành thời gian quy định và đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trong trường hợp chưa thật sự an toàn thì quyết định kéo dài thời gian và thể hiện bằng văn bản cụ thể, tránh gây tâm lý bức xúc cho người dân”, ông Mãi nói và yêu cầu đảm bảo an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và người dân TPHCM cùng với việc thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp. “Thành phố phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021 đẩy lùi được dịch bệnh và đến tháng 8/2021 có thể khống chế được dịch. Trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, TPHCM cần tổ chức phân phối hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đợt dịch lần thứ 4 nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Từ ngày 19 đến 30/6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TPHCM), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân là 65 ca/ngày. Số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân là 35 ca/ngày. Điều đó cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị và yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức lại các khu cách ly tập trung theo tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế, không tổ chức cách ly tại các trường học và khuyến khích sử dụng khách sạn, nhà khách, nhà tái định cư chưa sử dụng làm địa điểm cách ly…
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 31 ngày nhập viện với tình trạng nguy kịch, bệnh nhân đã có sức khỏe tốt, tự đi lại bình thường.