TPHCM: Nguồn máu dự trữ đang cạn kiệt
Các ngân hàng máu tại TPHCM phục vụ cho cấp cứu, điều trị đang rơi vào cảnh cạn kiệt. Nếu không được cộng đồng tiếp sức, trong một tuần nữa sẽ không còn máu dự trữ. Khi đó cuộc chiến chống dịch COVID-19 chẳng những sẽ khó khăn mà việc cấp cứu, điều trị các bệnh lý thông thường cũng rơi vào bế tắc.
Cầu cứu vì thiếu máu
Đợt bùng phát dịch thứ 4 khiến số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng lớn đến phong trào hiến máu tình nguyện trên toàn quốc, cũng như tại TPHCM. Trong bối cảnh thành phố và nhiều tỉnh thành khác đang phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết, các tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký hiến máu phải hủy kế hoạch nên đơn vị tiếp nhận máu cũng không thể triển khai. Đến nay, các ngân hàng, trung tâm truyền máu, trung tâm hiến máu nhân đạo đang rơi vào cảnh báo động đỏ.
Cuối tuần qua, TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cho biết, kho dự trữ máu tại bệnh viện là nơi cung cấp cho gần 150 bệnh viện trên địa bàn thành phố, trong đó có cả các bệnh viện điều trị COVID-19. Tuy nhiên, từ ngày 9/7, thành phố thực hiện cách ly xã hội, hầu hết hoạt động hiến máu bị hủy, bị ngưng tổ chức. Thực tế trên khiến lượng máu dự trữ tại ngân hàng máu đang giảm dần. Hiện số lượng túi máu tiếp nhận được chỉ đạt 50 túi (mỗi túi 1 đơn vị - PV), tương đương 1/10 lượng máu thành phố cần mỗi ngày.
TS.BS Lê Hoàng Oanh cho biết: “Khi tiếp nhận đăng ký hiến máu nhân đạo của người dân, chúng tôi sẽ nhắn thông tin vào số điện thoại cá nhân của người đăng ký về địa điểm, thời gian tiếp nhận máu. Tin nhắn từ đơn vị tiếp nhận máu sẽ là cơ sở để người đi hiến máu tình nguyện trình bày với các chốt kiểm soát dịch để được xem xét. Sau hiến máu, mọi người đều được cấp giấy xác nhận hiến máu tình nguyện, đây cũng là cơ sở chứng minh việc ra đường của họ là cần thiết”.
“Kho dự trữ máu đang giảm dần, dự kiến trong 7 ngày tới sẽ chạm đến ngưỡng báo động dưới 3.000 túi máu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ trong vài ngày tới, đặc biệt là nhóm máu O”, bác sĩ Dũng cho hay.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 23/7, TS.BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy cho biết, Trung tâm được Bộ Y tế giao nhiệm vụ cung cấp máu cho Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ gồm: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo bác sĩ Oanh, bình thường, lượng máu hàng ngày cần tiếp ứng khoảng 700 đến 800 đơn vị, số lượng sử dụng trung bình ở thời điểm không có dịch tại các bệnh viện được trung tâm cung cấp khoảng 500 đơn vị, riêng Chợ Rẫy một ngày có thể cần khoảng 300 đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh kéo dài khiến việc tiếp cận nguồn máu hiến khó khăn, máu dự trữ tại trung tâm giảm sút rất nhanh, rơi vào tình trạng cạn kiệt.
“Đến sáng 23/7 lượng máu tại trung tâm chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị. Với số lượng rất hạn chế, chúng tôi phải giới hạn chỉ cấp khoảng 10 đến 20% cho các tỉnh. Nếu không có phương án bổ sung và không có sự hỗ trợ của cộng đồng thì trong vòng một tuần nữa, nguồn máu sẽ bị cạn kiệt”, bác sĩ Oanh lo ngại.
Cần cộng đồng chia sẻ
Theo phân tích của TS.BS Hoàng Oanh, máu đặc biệt cần thiết cho việc cấp cứu, điều trị bệnh nhân kể cả người mắc COVID-19 và các bệnh lý khác. COVID-19 hiện không loại trừ ai, nó tấn công mọi đối tượng và gây ra những diễn tiến đặc biệt nguy hiểm, đe dọa tính mạng của những người mắc bệnh lý nền như suy thận mạn, tim, phổi mạn tính… “Việc điều trị bình thường những bệnh nhân trên đã cần bổ sung máu, nếu mắc COVID-19 thì lượng máu cần cho việc cấp cứu, điều trị của bệnh nhân càng cao hơn, nếu không có máu thì không thể cứu được người bệnh”, bác sĩ Oanh nói.
Trước tình hình TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường trong những ngày tới, TS Hoàng Oanh bày tỏ lo lắng: “Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động hiến máu. Chúng tôi cũng đã liên hệ với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tuy nhiên địa phương cũng đang thực hiện theo Chỉ thị 16 nên không tổ chức vận động người dân đi hiến máu được”. Để có máu, bác sĩ Oanh cho biết đã xin ý kiến các cấp lãnh đạo tổ chức tiếp nhận máu tại chỗ để người dân có thể sắp xếp thời gian đến hiến máu phù hợp, đảm bảo an toàn, chấp hành quy định cách ly xã hội. Mọi người khi đến hiến máu sẽ giãn cách theo quy định, thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.
Các bệnh viện, trung tâm truyền máu trên địa bàn thành phố đang nỗ lực vận hành mọi cơ chế để có thể bù vào lượng máu bị thiếu hụt. TS.BS Phù Chí Dũng bày tỏ: “Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo Thành phố Thủ Đức và 22 quận huyện quan tâm, duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp, tổ chức hẹn người hiến máu chia theo nhiều khung giờ để vừa đảm bảo an toàn cho người hiến, vừa giúp người bệnh có đủ máu cho cấp cứu và điều trị”.
TS.BS Lê Hoàng Oanh kêu gọi những người khỏe mạnh, không mắc bệnh, không trong khu vực đang bị phong tỏa, cách ly vì dịch bệnh hãy đến tham gia hiến máu; thân nhân của bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện chủ động hiến máu; cán bộ công nhân viên chức của tất cả ngành nghề, lực lượng nhân viên y tế hãy chủ động hiến máu, hiến tiểu cầu để tránh nguy cơ nguồn máu bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Người dân hiến máu có thể tiếp cận các địa điểm: 1. Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy - Bệnh viện Chợ Rẫy (cổng số 5, đường Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5, TPHCM). Thời gian: 7 giờ đến 16 giờ từ thứ hai đến thứ sáu. Điện thoại: 0919223989 - 0938790207. 2. Bệnh viện Truyền máu Huyết học (118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TPHCM). Điện thoại: 02839557858 - 0919660.010 Thời gian: Từ 7 giờ đến 16 giờ 30, tất cả các ngày trong tuần. 3. Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố (106 Thiên Phước, quận Tân Bình, TPHCM). Điện thoại: 02838685507 - 0937587299 Thời gian: Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ (từ thứ hai đến thứ sáu); thứ bảy và chủ nhật từ 7 giờ đến 11 giờ. Người hiến máu cần tuân thủ quy định 5K, thực hiện khai báo y tế theo đường link: kbyt.khambenh.gov.vn và phối hợp với nhân viên y tế sàng lọc các yếu tố nguy cơ trước khi hiến máu. |
Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam huy động thêm 2.500 y, bác sĩ trên cả nước...
Nguồn: [Link nguồn]