TP.HCM: Gần 500 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn

PGS.TS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 492 người bị rắn lục đỏ cắn. Tất cả bệnh nhân đều được cứu sống.

Từ tháng 12/2013 – 11/2014, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận tổng cộng 779 ca nhập viện do rắn cắn, trong đó có 492 trường hợp do rắn lục đuôi đỏ cắn, chiếm đến 63%. Đáng lưu ý là trong tháng 10/2014, số ca nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn tăng cao đột ngột, lên đến 90 ca trong khi các tháng trước chỉ khoảng 50 ca. Điều này được cho là vào mùa mưa nên có thể làm gia tăng lượng rắn lục đuôi đỏ.

TP.HCM: Gần 500 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn - 1

​​Một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại BV Chợ Rẫy

Ông Phạm Hồng Nguyên (tổ 22, khu 3, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một trong những bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại bệnh viện cho biết, ông bị rắn cắn ở sân. Khoảng 1 tháng trở lại đây, khu vực ông sinh sống xuất hiện rất nhiều rắn lục đuôi đỏ, đã có 4-5 người bị rắn cắn phải nhập viện.

Ông Tư, một bệnh nhân khác ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết, ông đang dọn đồ đạc tại xưởng thì thấy tay đau nhói, chảy máu và nhìn thấy vết răng. Sau đó ông nhìn thấy một con rắn xanh lè dài chưa đến nửa mét, thân hình nhỏ bằng ngón tay bò đi mới biết mình bị rắn cắn. TPHCM là địa phương dẫn đầu về số lượng bệnh nhân nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn, sau đó là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An… Đa số các trường hợp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn đều được chữa khỏi do đã có huyết thanh điều trị.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến có trường hợp bị hoại tử. Bác sĩ Trần Quang Bính cho biết, triệu chứng thường thấy khi bị rắn cắn là sưng hạch vùng tại chỗ, chảy máu vết cắn, bóng nước. Một số người có chảy máu răng, tiêu chảy, xuất huyết niêm da, xuất huyết âm đạo.

Trường hợp bị rắn lục cắn chảy máu không nhiều, các triệu chứng không nghiêm trọng bằng rắn chàm quạp hay một số loại rắn độc khác. Khi bị rắn cắn, trước tiên phải trấn an để bệnh nhân khỏi lo lắng. Sau đó, nếu có điều kiện thì rửa sạch vết thương. Tiếp theo là băng ép bất động không cần ga-ro để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương. Nguyên tắc bất động là trên 1 khớp, ví dụ như cắn ở bàn chân thì bất động đến trên đầu gối, sau đó đưa đến cơ sở y tế để điều trị. “Hiện Việt Nam có thể sản xuất được huyết thanh kháng nọc độc rắn lục. Nếu sơ cứu đúng cách và sớm đến các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh nhân có thể nhanh chóng được chữa lành”, ông Bính khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN