TPHCM: Dịch sốt xuất huyết đang vào mùa
Theo các chuyên gia y tế từ nay đến tháng 11/2013, Nam Bộ nhiều khả năng dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng sẽ tăng trở lại.
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, tính đến cuối tháng 7/2013, một số bệnh truyền nhiễm phổ biến tại khu vực phía Nam có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2012 như: số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 51% và số ca tử vong giảm 33%; số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng giảm liên tiếp từ 10 - 50% mỗi tuần trong 8 tuần gần đây, trong đó tỷ lệ tử vong giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (14 ca năm 2013/ 36 ca năm 2012). Các bệnh truyền nhiễm khác như viêm màng não do não mô cầu, liên cầu lợn ở người, thương hàn,… cũng không tăng so với cùng kỳ.
Bệnh tay chân miệng có nguy cơ quay trở lại vì đang vào chu kì dịch mới
Tuy nhiên, bước vào tháng 8 đến tháng 11, khi mùa mưa vào cao điểm nên nguy cơ nhiều dịch bệnh sẽ tăng trở lại. Đáng lưu ý, trong khoảng thời gian này, bệnh tay chân miệng sẽ bước vào chu kỳ mới nên nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Khảo sát tại 2 BV Nhi Đồng TP.HCM, cho thấy, bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị tuy chưa nhiều nhưng lại có nhiều trường hợp nặng, điều trị khó khăn. Từ đầu năm đến nay, có hơn 3.338 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tại TP.HCM.
Trẻ đang điều trị tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, mùa mưa cũng là thời điểm của muỗi sinh đẻ nên bệnh SXH cũng có nguy cơ tăng trở lại. Hiện trẻ mắc bệnh đang tập trung nhiều nhất từ 1 - 10 tuổi. Bệnh của những trẻ này trở nặng vì sức đề kháng yếu, hơn nữa bác sĩ thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa.
Số ca mắc tay chân miệng tuy chưa nhiều nhưng lại có nhiều trường hợp nặng, điều trị khó khăn
TP.HCM hiện nay mỗi tuần tiếp nhận khoảng 300 ca sốt xuất huyết. Khác với trước đây, bệnh sốt xuất huyết hiện nay có nhiều đặc điểm hết sức lo ngại vì cả trẻ em lẫn người lớn trên 60 tuổi cũng mắc sốt xuất huyết và khi bị biến chứng thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý đặc biệt đối với các cháu mới bắt đầu đi học vì thường dễ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm kết mạc, tiêu chảy cấp, sốt do nhiễm siêu vi do có thể bị lây nhiễm từ các bạn cùng lớp.
Báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, cho thấy tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng vẫn có số tử vong cao nhất là 14 ca. Số ca mắc từ đầu năm đến nay là 24.049 ca. Bệnh cúm với 12 ca tử vong xếp hàng thứ hai. Trong đó, gồm 93.538 ca mắc cúm mùa (tử vong 12 ca) và 2 ca cúm A/H5N1 (tử vong 1 ca). Tiếp theo, sốt xuất huyết có 11.273 ca mắc và tử vong 10 ca. Các bệnh khác cũng có số tử vong cao là viêm não vi rút 7 ca và bệnh dại 5 ca. |