TPHCM chỉ còn 3 lọ thuốc giải độc Botulinum

Sự kiện: Sống khỏe

Ngày 22/2, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, toàn thành phố hiện chỉ còn 3 lọ thuốc giải độc Botulinum. Đây là loại thuốc hiếm, năm 2023 trong bối cảnh nhiều vụ ngộ độc xảy ra tại Việt Nam nhưng không có thuốc giải, Tổ chức Y tế Thế giới đã tài trợ cho Việt Nam 6 lọ thuốc này.

Độc tố botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum là một chất độc cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong cho một người nặng 70kg. Người bệnh thường bị nhiễm độc tố botulinum khi ăn các loại đồ hộp đóng kín không bảo đảm điều kiện bảo quản. Người bị ngộ độc nếu được sử dụng thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) kịp thời sẽ giải được độc tố Clostridium Botulinum. Tuy nhiên, Botulism Antitoxin Heptavalent là thuốc hiếm nên cần phải được dự trữ.

Năm 2023 nhiều vụ ngộ độc Botulinum đã xảy ra tại Quảng Nam và TPHCM khiến 2 người tử vong do hết thuốc giải. Trước tình trạng trên, Tổ chức Y tế Thế giới đã tài trợ cho Việt Nam 6 lọ thuốc BTA để chủ động điều trị cho các bệnh nhân không may bị ngộ độc.

Những trường hợp bị ngộ độc Botulinum thì thuốc giải BTA là phương án khả quan nhất để tránh tử vong cho người bệnh

Những trường hợp bị ngộ độc Botulinum thì thuốc giải BTA là phương án khả quan nhất để tránh tử vong cho người bệnh

Mới đây, tại TPHCM đã có 2 trẻ phải nhập viện với những biểu hiện nghi ngờ bị ngộ độc Botulinum. Chiều 22/2 tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, hai trường hợp nghi ngờ ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sức khỏe của các bệnh nhi hiện đang có cải thiện tích cực, một trẻ đã cai được máy thở, một trẻ còn theo dõi tại khoa Hồi sức Tích cực.

Trước đó, hai bệnh nhi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 6 và ngày 7/2. Trường hợp thứ nhất là cháu bé 6 tuổi. Ngày 3/2 trên đường từ TPHCM về quê cùng gia đình, bé bị nôn ói nhiều. Đến ngày 4/2, gia đình đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định điều trị với chẩn đoán theo dõi viêm não cấp. Tuy nhiên, sau 2 ngày nằm viện, tình trạng bệnh ngày càng nặng. Bệnh nhi rơi vào tình trạng co giật, chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 7 tuổi. Ngày 5/2, bé được đưa đến Bệnh viện Hạnh Phúc (Bình Dương) cấp cứu sau 2 ngày bị nôn ói nhiều và cử động hàm khó khăn. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi khai thác bệnh sử và tiền sử ăn uống, các bác sĩ ghi nhận, trước khi có biểu hiện bất thường, cả hai bé cùng ăn tiệc tất niên tại một gia đình ở phường Phước Long B. Theo báo cáo từ bệnh viện gửi đến Sở Y tế TPHCM, các kết quả thăm khám lâm sàng, chụp CT-Scan sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn và chẩn đoán không loại trừ khả năng hai bệnh nhi đã bị ngộ độc Botulinum toxin. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum cho hai bệnh nhi.

Hiện nay, mẫu phân của các bệnh nhân đã được gửi đến Viện Y tế công cộng TPHCM khẩn trương tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán xác định nguyên nhân thực sự gây ngộ độc cho hai bệnh nhi. Ông Nguyễn Hải Nam cho biết, Sở Y tế đang phối hợp với Sở An toàn Thực phẩm tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng nguy cơ và chủ động tầm soát, phát hiện ca bệnh nghi ngờ bị ngộ độc Botulinum. Cơ quan chức năng chưa ghi nhận thêm trường hợp có triệu chứng tương tự như hai bệnh nhi trên.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người có thói quen tự muối chua thực phẩm để dành ăn dần hay mua thực phẩm muối chua nhà làm, liệu như vậy có nguy cơ bị ngộ độc botulinum?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN