TP.HCM cần ưu tiên truy vết, xét nghiệm giãn cách, trả kết quả nhanh

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trong vòng 10 ngày qua, số ca bệnh COVID-19 ở TP.HCM tăng nhanh, trong đó có các ca nhiễm trong cộng đồng, nhiều ca khám bệnh không triệu chứng.

Sáng 2-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đã có cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Nhận định về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, đánh giá dịch còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là về số lượng ca mắc.

Trong vòng 10 ngày qua, chưa có ngày nào số ca bệnh của TP dưới ba con số. Số lượng ca bệnh tăng lên rất nhanh, điển hình như hôm qua là 464 ca, trong đó 85 ca mắc trong cộng đồng.

Ca nhiễm cộng đồng có xu hướng tăng

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, dịch không chỉ khu trú ở khu vực TP.HCM mà đã lan rộng, có tính chất phức tạp tại một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài ra còn có một số các tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP như Tiền Giang, Đồng Tháp, xa hơn nữa là Quảng Ngãi, Phú Yên…

“Việc liên thông, giao thương giữa TP và các tỉnh đặt tình thế là có thể người TP đến các địa phương gây dịch bệnh hoặc cũng có thể ngược lại, vì thế rất phức tạp. Ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng đẩy nhanh tương đối cao. Đây là yếu tố tôi đánh giá là hết sức khó khăn cho TP” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lo ngại.

Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, qua đánh giá thấy việc tổ chức công tác xét nghiệm triển khai đồng bộ từ công tác lấy mẫu đến xét nghiệm và cho kết quả còn chậm, còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Lực lượng truy vết đồng thời phải làm xét nghiệm và những việc khác trong công tác phòng chống dịch dẫn đến công việc truy vết bị ảnh hưởng, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất ngành y tế TP cho đội ngũ truy vết chỉ tập trung vào truy vết. Cạnh đó, phối hợp với tổ dân phố, công an... để tăng cường đội ngũ truy vết trên diện rộng của địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý. Khi phát hiện các ca F0, cần khoanh vùng phong tỏa và khu vực lân cận khu phong tỏa đó. Thời gian qua, TP đã sử dụng 128.000/252.000 test nhanh, như vậy số lượng sử dụng vẫn còn rất hạn chế.

“Đề nghị TP tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Có thể lấy mẫu ở đầu hẻm, ngõ

Trước giải pháp TP đang xét nghiệm diện rộng để truy tìm F0, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo các quận huyện cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của TP kể cả trong vấn đề xét nghiệm và tiêm vaccine, không để người dân tụ tập xét nghiệm, không đảm bảo giãn cách.

Để làm tốt việc này, cần nghiên cứu bố trí xét nghiệm theo hướng giãn cách cả về thời gian, địa điểm, không để lượng người tập trung “rồng rắn lên mây”. “Ví dụ, các địa phương có thể lấy mẫu tại đầu các hẻm, ngõ, người dân trong ngõ đi ra đơn giản hơn là tổ chức ở các trường học lớn như vậy" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn gợi ý.

Đối với xét nghiệm trong các khu cách ly, phong tỏa, Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phải có một đội ngũ tập trung, gần như là trù bị để khi cần phải hoàn thành xét nghiệm, trả kết quả nhanh cho người dân. Tránh tình trạng đã cách ly 21 ngày mà đến ngày 22, 23 chưa được trả kết quả sẽ dẫn đến bức xúc. UBND TP cần chỉ đạo xét nghiệm phải trả đúng giờ, đúng hẹn với người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 diện rộng ở quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG GIANG Nhiều ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng

Một điểm xét nghiệm COVID-19 diện rộng ở quận Tân Phú. Ảnh: HOÀNG GIANG Nhiều ca nhiễm COVID-19 không có triệu chứng

Báo cáo tại cuộc họp, GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ 6 giờ ngày 1-7 đến 6 giờ ngày 2-7, HCDC ghi nhận 533 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Cụ thể: 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều đã xác định được nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; 2 trường hợp là dân quân trực ở khu phong tỏa tại quận 5 và TP Thủ Đức; 42 trường hợp phát hiện khi khám tại 15 bệnh viện và Trung tâm y tế; một trường hợp phát hiện khi xét nghiệm tầm soát mở rộng trong cộng đồng; 28 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

Nhận định tình hình dịch bệnh tăng nhanh, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này dịch lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt ở các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...

TP đã trải qua 2 đợt dịch, đợt đầu từ 26-5 đến 14-6, có liên quan ổ dịch ở điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng, cho đến nay đã phát hiện 590 trường hợp. Đợt 2 từ ngày 15-6 đến nay, các ca bệnh chủ yếu ở các khu nhà trọ, khu dân cư, cơ sở sản xuất, tòa nhà văn phòng…

Ban đầu, các ca bệnh đến khám bệnh chỉ vài ca, từ vài ca chỉ điểm dẫn đến phát hiện các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ vùng ven, cụm dân cư ở huyện ngoại thành. Từ đây, dịch xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tiếp đó, TP phát hiện các ca nhiễm cộng đồng, nhiều trường hợp không có triệu chứng đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, trung bình mỗi ngày từ 25 trường hợp, cao điểm là 62.

“Tính đến nay, TP ghi nhận tổng cộng có hơn 530 ca phát hiện tại các bệnh viện, tất cả đều được phát hiện qua khám sàng lọc. Từ các ca chỉ điểm này TP đã truy vết các ổ dịch tại các nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối. Thống kê của TP, trong 10 ngày qua (từ 23-6 đến nay) đã có hơn 3.400 trường hợp. Trung bình 345 trường hợp mỗi ngày” -  GS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Dự kiến TP.HCM được phân bổ thêm gần một triệu liều vaccine

Liên quan đến tình hình tiêm chủng, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 4 (khởi động từ ngày 19-6, triển khai chính thức trưa ngày 21-6), tính đến hết ngày 1-7, đã có tổng cộng 839.706 người đã được tiêm vaccine (chiếm tỉ lệ 104% trong tổng liều vaccine là 816.000). Có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc (chiếm tỉ lệ 11,8%). Có 781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4). Tất cả các trường hợp đều được theo dõi sát, hiện giờ tất cả đều ổn định.

Chiến dịch tiêm vaccine lớn, thực hiện trong thời gian ngắn đã kết thúc an toàn.

Người dân TP.HCM được tiêm vaccine ở nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân TP.HCM được tiêm vaccine ở nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường sơn thông tin: “Sáng nay có 400.000 liều về sân bay Tân Sơn Nhất chắc sẽ sử dụng cho TP. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ phân bổ cho TP 1 số lượng lớn, gần 1 triệu liều trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý TP rút kinh nghiệm trong đợt tiêm vaccine vừa rồi, kế hoạch vẫn còn nhiều chuệch choạc, tiến độ không như mong muốn, cần sớm xây dựng kế hoạch chi tiết về việc sử dụng lượng vaccine này trên địa bàn để đến khi có vaccine là tổ chức chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, hiệu quả, an toàn và thành công.

Những đối tượng nào được ưu tiên trong chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất sắp tới?

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
theo Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN