Tổng Bí thư: 'Trình độ bác sĩ Việt Nam ngang tầm thế giới'

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá bác sĩ Việt Nam ngày nay có trình độ chuyên môn ngang tầm thế giới, có thể thực hiện các kỹ thuật y học tiên tiến không thua kém những nước phát triển.

Làm việc với Bộ Y tế sáng 24/2 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tổng Bí thư đánh giá ngành y tế Việt Nam có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc, với nhiều chỉ số vượt trội so với các quốc gia có cùng mức phát triển", ông nói, nhận định trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu và khả năng thực hành của đội ngũ y bác sĩ ngày càng được nâng cao, cùng với sự hỗ trợ của trang thiết bị, máy móc và thuốc men hiện đại. Năng lực y tế Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học thế giới, đồng thời khẳng định vai trò trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội, sáng 15/2. Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội, sáng 15/2. Ảnh: Phạm Thắng

Nhìn lại lịch sử y học dân tộc, Tổng Bí thư nhắc đến những danh y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cùng những tấm gương y bác sĩ thời chiến như bác sĩ Đặng Văn Ngữ, giáo sư Tôn Thất Tùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Hình ảnh các bác sĩ, y tá cõng thương binh qua bom đạn, phẫu thuật trong điều kiện thiếu thốn, hay những người lính quân y hy sinh để bảo vệ người bệnh, đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và trí tuệ Việt Nam.

Trong những thập kỷ gần đây, ngành y tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các bệnh viện tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, 108... đã làm chủ nhiều kỹ thuật y học tiên tiến. Các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng phức tạp như ghép thận, gan, tim, phổi, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Phẫu thuật bằng robot được triển khai trong các lĩnh vực ngoại khoa, tiết niệu, thần kinh, ung bướu, nâng cao độ chính xác trong điều trị. Công nghệ tế bào gốc được ứng dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về máu, chấn thương tủy sống, xơ gan và ung thư.

"Ngành y tế đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 38 tuổi năm 1945 lên 60 tuổi vào giai đoạn 1975-1980 và hiện đạt 74,5 tuổi. Cùng với đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế được chú trọng, giúp Việt Nam sở hữu đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế đạt trình độ quốc tế. Các trường đại học y khoa hàng đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y Dược Huế không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thực hành lâm sàng và tiếp cận các tiến bộ y học hiện đại.

Bên cạnh thành tựu, ngành y tế đối mặt với những thách thức lớn, bởi chăm sóc sức khỏe toàn dân không chỉ khám chữa bệnh mà cần phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng công tác y tế dự phòng hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho nhóm yếu thế như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người tàn tật, người nghèo. Chính sách khám sức khỏe định kỳ chưa được chú trọng, dẫn đến nhiều bệnh lý không được phát hiện và điều trị kịp thời trước khi trở thành mạn tính. Công tác tuyên truyền, giáo dục y tế cộng đồng nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh và tăng cường sức đề kháng còn hạn chế. Công tác kiểm soát thực phẩm, vệ sinh ăn uống và chế độ dinh dưỡng phòng bệnh chưa hiệu quả.

Vấn đề y đức cũng được Tổng Bí thư đặt ra, khi vẫn còn những trường hợp thầy thuốc thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người bệnh, đặt lợi ích vật chất lên trên đạo đức nghề nghiệp.

Hệ thống y tế cơ sở còn nhiều bất cập, thiếu hụt cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị và nhân lực, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi. Thực trạng này dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh. Thu nhập của nhân viên y tế bệnh viện công thấp so với khối lượng công việc và mức độ rủi ro, khiến nhiều bác sĩ giỏi chuyển sang khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài làm việc.

"Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt", Tổng Bí thư nói, thêm rằng hiện nay ngành y tế mới chỉ làm tốt khâu tuyển chọn và đào tạo trong khi chính sách sử dụng và đãi ngộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bác sĩ hai bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 phối hợp trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên, hồi tháng 1/2024. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ hai bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 phối hợp trong ca can thiệp tim bào thai đầu tiên, hồi tháng 1/2024. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để giải quyết các thách thức, Tổng Bí thư đề xuất 12 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế; nâng cao y đức; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở; giảm tải bệnh viện tuyến trên; cải thiện chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. Ông cũng đề nghị cải cách tài chính y tế; hoàn thiện pháp luật y tế; khắc phục bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và thiết bị y tế.

Y học cổ truyền cần phát triển kết hợp y học hiện đại. Đồng thời, ngành y tế tăng cường ứng dụng công nghệ số, nâng cao công tác y tế cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống bệnh tật.

Để xây dựng một nền y tế hiện đại, công bằng và hiệu quả, cần sự tham gia của toàn xã hội với vai trò nòng cốt là ngành y tế. Tổng Bí thư kêu gọi huy động tổng thể các nguồn lực, từ hoàn thiện chính sách, cải thiện hệ thống y tế cơ sở, thu hút và đãi ngộ nhân lực y tế, đến ứng dụng công nghệ số và đẩy mạnh y tế dự phòng.

"Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Ngành y tế vinh dự được giao trọng trách chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi tin rằng các y bác sĩ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần 'Lương y như từ mẫu', đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân", Tổng Bí thư nhắn nhủ và gửi lời chúc đến toàn thể nhân viên y tế cả nước nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

“Chuyên nghiệp là cái tôi rất muốn xây dựng ở bệnh viện. Chúng ta phải chuyên nghiệp, luôn làm sao để người bệnh hài lòng ra về sau khi sử dụng dịch vụ, khám chữa bệnh”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nga ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN