Tổn thương thực quản do hóc xương cá
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6-8, BV vừa cấp cứu cho bệnh nhân H.T.N. (60 tuổi, ngụ Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tổn thương thực quản rất nặng do hóc xương cá rô.
Gia đình bệnh nhân N. cho biết, ngày 5-8, sau khi bị hóc xương cá bà N và gia đình đã tìm cách chữa mẹo nhưng miếng xương cá vẫn không trôi xuống bụng, ngược lại vùng họng và hai bên mang tai bà càng đau nhức dữ dội.
Kết quả chụp cho thấy trong thực quản có mảnh xương cá dẹt, to mắc kẹt gây tổn thương thực quản của bà N.
Theo các bác sĩ, hóc xương cá là loại hóc dị vật nguy hiểm. Khi ăn cá, không may bị hóc, xương cá theo đường ăn hóc ở thực quản, người bệnh cố gắng khạc ra ngoài hay vì lý do nào đó, xương cá có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cá cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương cá làm thủng mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong.
Trên thực tế, 90% bệnh nhân bị hóc xương thường áp dụng cách chữa mẹo trước khi tìm đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc chữa trị này khá rủi ro. Các bác sĩ khuyên nạn nhân không nên chủ quan hoặc vì sợ bị trêu đùa mà cố tự chữa trị, bởi nếu nhập viện muộn sẽ khó điều trị hoặc dễ gây biến chứng sưng viêm, nhiễm trùng.
Chẩn đoán hóc xương qua hình ảnh thường dễ nhận ra hơn thông ống vào cổ họng và soi đèn thông thường. Chính vì thế, nếu không được chẩn đoán mắc xương mà cứ có cảm giác nghẹn và đau thì bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám.