Tỏi có thể chống vi khuẩn kháng thuốc bệnh đường tiết niệu
Nước chiết xuất từ tỏi có thể là vũ khí hữu hiệu chống lại các vi khuẩn gây bệnh đường tiết niệu (UTI) kháng với nhiều loại thuốc.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ tại Viện Khoa học và Công nghệ Birla mới được công bố trên tờ Pertanika Journal of Tropical Agricultural Science nêu khả năng nước chiết xuất từ tỏi có thể là vũ khí hữu hiệu chống lại các vi khuẩn gây bệnh đường tiết niệu (UTI) kháng với nhiều loại thuốc.
UTI là dạng nhiễm trùng phổ biến thứ nhì trên thế giới với khoảng 150 triệu người mắc bệnh mỗi năm và thường được điều trị bằng kháng sinh. Nhóm nghiên cứu cho biết tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn khiến họ quay về với cách trị liệu truyền thống. Với tên khoa học là Allium sativum, tỏi đã được y học cổ truyền sử dụng để chữa bệnh do nhiều loại vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh, virus nhạy cảm với các sản phẩm điều chế từ tỏi. Chất allicin và các thành phần sulphur khác trong củ tỏi được cho là yếu tố kháng khuẩn chủ yếu.
Nghiên cứu nêu khả năng chữa nhiễm trùng đường tiết niệu đã kháng thuốc của tỏi Ảnh: Medical Xpress
Trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học phát hiện có 56% của 166 dòng vi khuẩn trong nước tiểu bệnh nhân UTI kháng thuốc kháng sinh mức độ cao. Trong khi đó, có đến 82% vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể bị tổn hại do nước chiết xuất từ tỏi.
Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng hiển nhiên về khả năng trị liệu UTI của tỏi đối với vi khuẩn kháng thuốc. Họ kêu gọi nghiên cứu chi tiết hơn về hoạt tính, công hiệu, tác dụng lý hóa và khả năng gây tác dụng phụ của tỏi.