Tốc ký của một nhân viên y tế: Lần đầu biết "tâm dịch" là thế nào
Tối muộn, chị mặc bộ đồ bảo hộ, bước lên xe cứu thương. Chiếc xe rẽ giữa dòng người, điểm đến là phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM, nơi phát hiện chuỗi ca nhiễm COVID-19 trong Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Lần đầu tiên chị bước vào “tâm dịch”.
Đêm qua (28/5) là một đêm đặc biệt đối với cử nhân Phan Ngọc Lan Chi - Phòng hành chính quản trị, Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM. Chị và các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm của Viện nhận được lệnh khẩn cấp cùng các bệnh viện khác trên địa bàn “chia lửa” với lực lượng y tế quận Gò Vấp, thực hiện lấy mẫu hơn 50.000 dân, truy vết F1, F2 ngay trong đêm.
Chị lưu lại chuyến tác nghiệp đặc biệt này với những dòng ký nhanh nhưng sâu lắng:
Tối ngày 28/5/2021.
- 20 giờ 45 nhận điện thoại báo tin: Cùng với các đơn vị bạn, Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cắt cử 2 đội phản ứng nhanh, ứng phó cùng Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) thực hiện lấy mẫu cho gần 50.000 người dân quận Gò Vấp nhằm truy vết ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
- 21 giờ 05, khẩn trương có mặt tại Viện, chuẩn bị máy móc, mặc đồ bảo hộ.
- 21 giờ 15, lên xe cấp cứu. Chiếc xe bật còi ưu tiên, khởi hành vào “tâm dịch”. Đây là lần đầu tiên chị đi tác nghiệp; lần đầu được ngồi xe cấp cứu; lần đầu được mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu xuống chân; lần đầu được “chinh chiến” hiện trường; và lần đầu biết "tâm dịch" là thế nào. Quá nhiều thứ lần đầu tiên mới trải nghiệm khiến chị có rất nhiều cảm xúc.
Từ hàng rào, mình nhìn thấy các đồng nghiệp của mình và lực lượng chức năng tất bật, luôn tay luôn chân, mồ hôi ướt áo, nhòe kính chắn bảo hộ.
- Ừ, mặc bộ đồ bảo hộ vào mới biết nóng phát khiếp…
Tại một sân banh trên địa bàn phường 15, quận Gò Vấp, nhân viên y tế lấy mẫu khẩn ngay trong đêm. Ảnh: Lan Chi
Mình nhìn thấy cả sự hoang mang trên gương mặt của người dân, những dòng người xếp hàng đứng giãn cách kéo dài từ đầu hẻm đến nơi tập trung lấy mẫu. Có em bé khóc la vì sợ, có cụ già mỏi mệt vì phải đợi chờ, có các bạn trẻ vẫn giữ được chút vô tư, động viên nhau "chút xíu thôi là xong mà". Vẫn trật tự và kỷ luật, dù có đông đúc, hối hả.
Màn đêm tối đen, ánh trăng sáng rõ vành, nhưng vẫn không sáng bằng trung tâm sân bóng đang thực hiện lấy mẫu. Bởi có lẽ, không chỉ do đèn, mà còn sáng bởi cái tâm của những con người đang khẩn trương, thần tốc, tích cực truy vết dịch bệnh. Trên sân bóng nơi con hẻm nhỏ đó, họ - những chiếc bóng mặc đồ bảo hộ xanh/trắng kia như những chiến binh thực thụ nơi chiến trường, chống dịch như chống giặc.
Hơn 0 giờ đêm, mọi công tác lấy mẫu vẫn được thực hiện khẩn trương. Ảnh: Lan Chi
Buồn có, lo có, mệt mỏi có, chán nản cũng có, nhưng mình tin rằng những đồng đội của mình vẫn chưa bao giờ hết lạc quan và vẫn giữ vững niềm tin: “chúng ta sẽ vượt qua, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch”.
Mức độ nguy hiểm của COVID-19 càng ngày càng tăng, áp lực của ngành y tế càng nặng, lo toan về kinh tế càng nhiều... chỉ mong mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức cho mình, vì cộng đồng mà tuân thủ 5K phòng chống sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Hơn 0 giờ đêm, người dân xếp hàng, đảm bảo khoảng cách và chờ đợi, hợp tác cùng lực lượng y tế để truy vết mầm bệnh trong cộng đồng. Ảnh: Lan Chi
Trước ngày lên đường chi viện, hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, bác sĩ Đặng Minh Hiệu quyết định cạo trọc...
Nguồn: [Link nguồn]