Toàn cầu tiếp tục lao đao và cẩn trọng với COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các quốc gia châu Âu có thể rơi vào thảm hoạ giống như Ấn Độ.

Một bệnh nhân COVID-19 đeo mặt nạ oxy tại bệnh viện dã chiến ở Nam Phi ngày 30/4

Một bệnh nhân COVID-19 đeo mặt nạ oxy tại bệnh viện dã chiến ở Nam Phi ngày 30/4

Ngày 30/4, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ  áp dụng thêm 3 tuần các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập trên 5 người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các biện pháp giãn cách ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 2/5 tới. Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki khẳng định việc gia hạn các biện pháp giãn cách là cần thiết, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trong tháng 5 tới do Hàn Quốc đón nhiều nhiều ngày nghỉ lễ như ngày Thiếu nhi (5/5), ngày của Cha mẹ (8/5), Lễ Phật đản (19/5).

Trong khi đó, trong 24 giờ qua, chiều 30/4, Lào ghi nhận thêm 85 ca nhiễm COVID-19 mới. Tất cả đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca mới ghi nhận này, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 69 ca. Tính tới thời điểm hiện này, Lào đã có 15/18 tỉnh thành có ca mắc COVID-19, trong đó có 8 tỉnh tiếp giáp với 9 tỉnh của Việt Nam gồm Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Hiện toàn bộ 18/18 tỉnh thành của Lào vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất là ngày 5/5.

Từ ngày 1/5, Ấn Độ sẽ mở rộng chương trình tiêm phòng COVID-19 đến những người từ 18-45 tuổi. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải rất nhiều khó khăn khi nhiều bang tại Ấn Độ cho biết không có sẵn vắc xin trong kho và phải ưu tiên tiêm liều thứ hai cho những người trên 45 tuổi.

Cũng trong ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ. Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các làn sóng lây nhiễm mới. "Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vắc xin còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu" - ông Kluge nói rõ. Ngày 30/4, Bộ Y tế Pháp thông báo ghi nhận các trường hợp đầu tiên ở nước này mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên B.1.617 xuất hiện tại Ấn Độ. Một trong số ca mắc là một phụ nữ trở về từ Ấn Độ và đang sống tại miền Tây Nam nước Pháp. Hai ca khác sống ở miền Đông Nam nước Pháp, cũng đã đến Ấn Độ. 

Thành phố New York, Mỹ vừa  thông báo có thể mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 1/7 tới sau hơn một năm phải hạn chế hoạt động vì đại dịch COVID-19. Dù vậy, một số không gian nổi tiếng của New York như bảo tàng Metropolitan hay sân vận động Yankees đều yêu cầu những người tới xem biểu diễn hay tham quan phải xét nghiệm nhanh COVID-19 hoặc có chứng nhận tiêm chủng, đồng thời số người được vào những nơi đó hạn chế ở mức 20% sức chứa. Nhà hát nổi tiếng Broadway đã mở cửa trở lại nhưng chỉ cho phép số lượng khán giả hạn chế xem một số chương trình đặc biệt.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia Bộ Y tế lo ngại một chu kỳ bùng phát dịch COVID-19 ở Đông Nam Á

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dịch ở Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippine đang rất căng thẳng nên lo ngại một chu kỳ bùng phát ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Anh (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN