Tờ quyết định “bỏ trống ngày về” của bác sĩ vùng cao chi viện Bắc Giang chống dịch
Cầm theo tờ quyết định bỏ trống ngày về, bác sỹ Tiệp rảo bước về phòng trọ chuẩn bị tư trang đồ đạc cho chuyến đi dài ngày. Anh cầm điện thoại lên rồi đặt xuống vì chưa biết sẽ nói với bố mẹ thế nào...
Tờ quyết định bỏ trống ngày về
Hoàng Việt Tiệp năm nay tròn 26 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong đoàn chi viện lần hai của ngành y tế Yên Bái. 8h sáng 25/5, sau khi nhận điện thoại từ Sở Y tế Yên Bái, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã gọi Tiệp lên hỏi ý kiến về việc cử y bác sỹ đi Bắc Giang chi viện chống dịch COVID-19. Không chút đắn đo, Tiệp đồng ý tham gia và có 1 tiếng để chuẩn bị hành trang trước khi lên đường.
Nhà Tiệp ở huyện Lục Yên, cách nơi làm việc đến 200km nên anh không kịp về thăm nhà, chào bố mẹ và em gái. Cầm theo tờ quyết định bỏ trống ngày về, Tiệp rảo bước về phòng trọ chuẩn bị tư trang đồ đạc cho chuyến đi dài ngày. Anh cầm điện thoại lên rồi đặt xuống vì chưa biết sẽ nói với bố mẹ thế nào để mọi người an tâm…
Những y bác sỹ của Yên Bái đến nhận nhiệm vụ tại khu cách ly bên trong chùa Trung Đồng, xã Vân Trung, Huyện Việt Yên.
Sáng 26/5, đoàn công tác tỉnh Yên Bái gồm 20 cán bộ y, bác sỹ đã nhận nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đoàn chia thành 4 tổ, tổ của Tiệp về điểm nóng đang đóng chốt lại chùa Trung Đồng của xã Vân Trung.
Những ngày cuối tháng 5, tiết trời Bắc Giang nắng nóng cao độ. Nhóm của Tiệp trong mặc đồ bảo hộ kín mít, liên tục tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc cũng như chăm sóc ban đầu cho các ca nghi mắc COVID-19. Chẳng ai bảo ai, cả đoàn cứ thế làm việc đến tối muộn. Chỉ đến khi sư thầy nhắc chuyện ăn uống mọi người mới chịu nghỉ tay. Đây cũng là lần đầu tiên Tiệp qua đêm ở một ngôi chùa. Cảm giác rất lạ nhưng bình yên.
BS Hoàng Việt Tiệp thăm khám bệnh cho người dân tại chùa Trung Đồng.
"Chuông chùa ngân tiếng vấn vương/ Bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ", Tiệp ngâm nga câu thơ khi nhớ về cô người yêu ở cùng trường Đại học Y dược Hải Phòng. Đã nhiều ngày nay từ khi vào tâm dịch làm việc, anh chưa được nói chuyện với người yêu. Giữa nơi đất khách quê người, nỗi nhớ càng thêm cồn cào, da diết…
"Con xuống Bắc Giang chống dịch…"
Bùi Thành Công, lớn hơn Tiệp 1 tuổi, cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Công lớn lên ở huyện nghèo Văn Chấn, bao quanh là rừng núi. Ngày nhận nhiệm vụ lên đường, Công chỉ kịp nói vài câu với bố mẹ: "Con đi theo lời kêu gọi của ngành y tế Yên Bái xuống Bắc Giang chống dịch". Bố mẹ Công vừa lo lắng vừa vui bởi từ bé, trước khi theo học trường Đại học Y Dược Thái Bình, Công đã có ước mơ sau này được làm bác sỹ, đi khắp nơi chữa bệnh, giúp người…
2 bác sỹ và 3 điều dưỡng trong nhóm chi viện của Yên Bái tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Được đánh giá là bền sức, Công nhanh chóng thích nghi với cường độ công việc cao. Do đặc thù luôn trong tình trạng "trực chiến 24/24h" nên bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân đến là Công bật dậy làm việc. "Có những hôm phải vào từng thôn làm công tác truy vết, khám bệnh cho người nghi mắc COVID-19 tại nhà, bọn em quên cả ăn. Đến khi về thì xuất cơm trong hộp đã nguội, trời nắng nóng nên rất nhanh hỏng. Bọn em lại uống sữa thay ăn để lấy sức làm việc", Công cười hiền.
Gian khổ vậy nhưng mỗi khi bố mẹ gọi điện, Công lại nhanh miệng đáp: "Con vừa ăn no, đang nghỉ ngơi. Làm việc ở đây ai cũng được phòng hộ rất kỹ càng, nên không có gì đáng lo cả…".
Khử khuẩn, chuyển các trường hợp F1 từ chùa Trung Đồng về khu cách ly tập trung.
Công tâm sự, do là người địa phương khác, chưa quen giọng nên mấy hôm đầu tiếp xúc với người dân anh phải nói nhiều, nói to để mọi người hiểu. Chưa kể, thời điểm này nắng nóng, nhiều khi mồ hôi chảy vào mắt, cay xè rất khó chịu.
"Làm việc ở đây rất mệt nhưng em không cảm thấy buồn. Với cả được ở tại chùa nên ai cũng có tinh thần làm việc rất cao. Những lúc mệt mỏi, mọi người đều nói với nhau rằng chỉ cần cố thêm một chút nữa, một chút nữa thôi...", Công nói và cho biết, dù đêm chỉ ngủ được vài tiếng nhưng hôm sau anh vẫn có thể làm việc với 200% sức lực.
Nhóm bác sỹ đi khám bệnh cho các ca nghi mắc COVID-19 tại nhà.
Chiều muộn, 5 người trong nhóm của Công lại được điều động sang tăng cường ở khu vực Núi Hiểu, xã Quang Châu. Tại đây có hơn 8.000 công nhân đang ở trọ, trong đó có hàng trăm người nghi mắc COVID-19 sau khi khi lực lượng y tế tiến hành kiểm tra nhanh, sàng lọc.
Công và Tiệp đều hiểu, lần này nhiệm vụ của đoàn chi viện Yên Bái sẽ khó khăn và nhiều thử thách hơn. Cả 2 tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để sớm được trở về mảnh đất Tây Bắc yêu thương…
Về điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân nặng, hiện có Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đang hỗ trợ Bắc...
Nguồn: [Link nguồn]