Tình dục an toàn cho người bị tim mạch

Tình dục là nhu cầu sinh lý quan trọng mang tính tất yếu không thể thiếu của cuộc sống lứa đôi. Một số bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu này.

Trong đó, tim mạch là một trong những bệnh đáng được lưu tâm nhất. rối loạn tình dục trên những bệnh nhân tim mạch chủ yếu là rối loạn cương dương ở nam giới.

Quan hệ tình dục, bao gồm bước kích thích, sự cương, xuất tinh, cực khoái, giai đoạn trơ, và giai đoạn phục hồi là một quá trình phụ thuộc vào những thay đổi của hệ thần kinh tự động. Sự kích thích tình dục và sự cương dương vật ở người đàn ông xuất phát từ sự kích thích của thần kinh phó giao cảm ở dương vật, giảm những hoạt động theo con đường giao cảm và phóng thích oxit nitrit từ nội mạc. Tầm quan trọng của oxit nitrit chính là lý do căn bản để sử dụng một số thuốc điều trị ở người đàn ông có rối loạn tình dục.

Thực tế thăm khám cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thường lo lắng sẽ bị nhồi máu cơ tim khi quan hệ tình dục do đó họ thường chủ động quan hệ ít đi. Mặt khác, những người có nhu cầu sử dụng các thuốc điều trị rối loạn tình dục thường có bệnh lí tim mạch đi kèm.

Tình dục an toàn cho người bị tim mạch - 1

Những nghiên cứu đầu tiên khảo sát trên những người tự nguyện, được theo dõi ở phòng thí nghiệm, ghi nhận sau giai đoạn cực khoái nhịp tim tối đa từ 140 - 180nhịp/phút, huyết áp trung bình tăng 80/50mmHg, nhịp thở và dung tích sống tăng đáng kể, bằng khi chúng ta gắng sức tối đa. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng ở những bệnh nhân đau ngực ổn định thường bị đau ngực trong hoặc ngay sau khi giao hợp. Điều này càng khẳng định quan hệ tình dục thường đi kèm với một hoạt động mạnh của hệ tim mạch cũng như các nguy cơ của nó.

Trong quan hệ tình dục, nhịp tim và huyết áp cũng tăng giống như khi hoạt động thể lực. Vì thế bệnh nhân tim mạch có thể đau ngực khi quan hệ làm họ phải ngừng quan hệ. Các thuốc tim mạch thích hợp, thường là nhóm ức chế thụ thể beta, đôi khi nitrat ngậm dưới lưỡi có thể ngăn ngừa đau ngực và có hoạt động tình dục bình thường.

Bệnh nhân bệnh động mạch vành mạn tính đã tái thông bằng phương pháp can thiệp hoặc mổ bắc cầu hay những bệnh nhân không triệu chứng thường không có nguy cơ cao xuất hiện biến cố tim mạch khi giao hợp.

Hai phương án được đưa ra nhằm giúp điều hòa nguy cơ nhồi máu cơ tim sau giao hợp là thể dục và điều trị bằng thuốc. Các nghiên cứu đều chứng minh, những bệnh nhân thể dục thường xuyên đều giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim khi giao hợp. Điều trị bằng thuốc cũng có thể làm giảm nhịp tim, huyết áp cũng như sự kết tập tiểu cầu là những yếu tố có thể khởi phát cơn nhồi máu. Ngoài ra, nhóm ức chế thụ thể beta có thể làm giảm nhịp tim, giảm nhu cầu oxy, làm giảm đau ngực khi giao hợp…

Mặc dù tỉ lệ xuất hiện nhồi máu cơ tim hay bất cứ một biến cố tim mạch khác như đau ngực, rối loạn nhịp thấp nhưng vẫn sẽ là một nguy cơ cao với những người thuộc nhóm nguy cơ tim mạch cao hay những  người đã có bệnh sẵn. Để làm giảm nguy cơ, người ta đề ra một số biện pháp đối với từng nhóm nguy cơ.

Sau giai đoạn cực khoái nhịp tim tối đa từ 140 - 180nhịp/phút, huyết áp trung bình tăng 80/50mmHg

Quan hệ tình dục không ảnh hưởng nhiều với nhóm nguy cơ thấp bao gồm những người không triệu chứng, tăng huyết áp đã kiểm soát, đau ngực ổn định nhẹ ở những bệnh nhân đang điều trị rối loạn cương bằng nhóm ức chế men phophodiesterase-5, bệnh nhân đã tái thông mạch vành thành công, bệnh nhân nhồi máu cơ tim 6 - 8 tuần, hiện không có triệu chứng hay không có thiếu máu cơ tim trên test gắng sức, những bệnh nhân đã được tái thông và không có thiếu máu cơ tim, khoảng 3 - 4 tuần sau nhồi máu có thể quan hệ tình dục hay bệnh van tim nhẹ…

Tuy nhiên với những người có nguy cơ trung bình như đau ngực ổn định mức độ trung bình, bệnh nhân nhồi máu cơ tim từ 2 - 6 tuần, không triệu chứng, không được tái thông và không có thiếu máu cơ tim trên test gắng sức, bệnh nhân có phân suất tống máu của tim (EF) <40%, hay bệnh nhân có suy tim độ II theo phân loại NYHA, bệnh nhân có bệnh do xơ vữa động mạch nhưng không do tim, như bệnh mạch máu ngoại biên, thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ… cần lưu tâm. Bệnh nhân ở nhóm này cần phải được làm các xét nghiệm để đánh giá thêm, đặc biệt ở những bệnh nhân có thói quen ít vận động. Những xét nghiệm này thường giúp thầy thuốc phân tầng bệnh nhân vào nhóm nguy cơ cao hay nguy cơ thấp

Cần đặc biệt lưu ý là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm đau thắt ngực không ổn định hay đau thắt ngực kháng trị, tăng huyết áp không kiểm soát, suy tim giai đoạn III, IV theo phân loại NYHA, nhồi máu cơ tim trong 2 tuần gần đây, rối loạn nhịp nguy cơ cao, bệnh cơ tim tắc nghẽn, bệnh van tim mức độ trung bình, nhất là hẹp van động mạch chủ. Người thuộc nhóm này phải được điều trị thật ổn định mới có thể quan hệ tình dục.

Rối loạn tình dục sau nhồi máu cơ tim

Đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều người lưu tâm. Rối loạn tình dục sau nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 50% số bệnh nhân, nếu bệnh nhân được mổ bắc cầu cũng có thể gặp với tỉ lệ thấp hơn. Sau nhồi máu cơ tim, cả bệnh nhân nam và nữ đều giảm quan hệ tình dục cũng như giảm đi sự thỏa mãn khi quan hệ; nguyên nhân có thể là do những e ngại tâm lý, lo sợ từ phía bệnh nhân hay của bạn tình.

Việc điều trị rối loạn tình dục ở những bệnh nhân tim mạch dựa trên phân loại nhóm nguy cơ đã nói ở trên và thông thường, rối loạn tình dục chủ yếu là rối loạn cương ở nam giới. Một phần quan trọng của việc điều trị rối loạn tình dục là phải điều trị tất cả những tác nhân bất lợi. Ở bệnh nhân tim mạch, điều này bao gồm sự bảo đảm an toàn khi quan hệ, những tác dụng phụ của thuốc cho bệnh nhân cũng như  khía cạnh tâm lý.

Tóm tại, với những người mắc bệnh lý tim mạch, nếu cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe tình dục, cách tốt nhất là nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa Tim mạch hoặc Nam học để được thăm khám, tư vấn hướng điều trị hợp lý.

Những lời khuyên cho hoạt động tình dục

Sau đợt bệnh tim mạch phải can thiệp mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu, người bệnh sẽ trở nên e ngại khi hoạt động tình dục. Chính những điều đó càng làm cho người bệnh ức chế hơn, những lời khuyên sau của bác sĩ sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn:

- Quan trọng nhất là sự thông cảm từ người bạn tình của mình.

- Duy trì những thói quen giữ gìn sức khỏe như ăn uống điều độ, tập thể dục, nghỉ ngơi, bỏ thuốc lá.

Tình dục an toàn cho người bị tim mạch - 2

Những bệnh nhân thể dục thường xuyên đều giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim khi giao hợp

- Tập thể dục để cảm thấy khỏe mạnh và tự tin hơn. Các hoạt động thể chất bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe, và khiêu vũ có thể giúp giảm nguy cơ tăng nhịp tim, khó thở, hay đau ngực trong lúc quan hệ tình dục.

- Kiên nhẫn với bản thân. Cố gắng hiểu suy nghĩ của bản thân và cả người bạn tình. Người bệnh có thể cảm thấy dễ tổn thương sau một đợt bệnh tim và cảm xúc có thể thay đổi nhanh chóng, thoắt vui thoắt buồn, dễ sung sướng, dễ cáu giận. Những biến đổi xúc cảm đột ngột ấy chỉ là tạm thời. Cả hai cần kiên nhẫn với nhau. Sự hài hước và lạc quan sẽ giúp ích trong trường hợp này.

- Tránh vội vã sinh hoạt tình dục chỉ để chứng tỏ mọi việc đã “hoàn toàn trở lại bình thường”. Quan hệ tình dục trước khi thực sự sẵn sàng không phải là cách xua đi lo sợ, mà đôi khi còn khiến các bạn cảm thấy lo lắng hơn.

- Ban đầu, đừng kỳ vọng quá nhiều. Phần lớn mọi người đều phải điều chỉnh đời sống tình dục sau đợt bệnh tim. Hãy quay một cách từ từ và để mọi chuyện diễn tiến tự nhiên.

- Lựa chọn thời điểm, địa điểm cả hai đều cảm thấy thoải mái và thư giãn.

- Đừng quan hệ tình dục quá sớm sau khi ăn, hãy đợi hai hoặc ba tiếng đồng hồ để bạn có thời gian tiêu hoá thức ăn. Tương tự những hoạt động thể chất khác, việc tiêu hoá thức ăn cũng đòi hỏi được cấp máu, và tim bạn sẽ phải hoạt động nhiều hơn.

- Uống thuốc theo đơn của bác sĩ trước khi quan hệ tình dục.

Trong lúc quan hệ tình dục, tim bạn đập nhanh hơn và mạnh hơn, da bạn sẽ đỏ lên và ẩm hơn. Đó là những biểu hiệnh bình thường, không phải triệu chứng của tăng gánh nặng cho tim.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bạn có thể gặp các triệu chứng của cơn đau thắt ngực (tương tự đau ngực do bệnh mạch vành).

Những triệu chứng đau thắt ngực cho thấy tim bạn đang phải hoạt động quá tải bao gồm:

- Cảm giác nặng, đau, tức ở hàm, cổ, tay, ngực, hoặc bụng.

- Khó thở rõ rệt.

- Nhịp tim rất nhanh hoặc không đều.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên khi đang quan hệ tình dục, hãy nói cho bạn tình biết và sau đó tư vấn bác sĩ của mình.

5 điều nhất định phải tránh nếu muốn ”chuyện ấy” thăng hoa

Không đạt được cực khoái chốn “phòng the“ không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi mà còn là dấu hiệu nguy hiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Trần Nguyễn An Huy ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN