"Tinh binh" đồng đều tăng khả năng sinh con
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Brown ở đảo Rhode (Mỹ) đã phát hiện thấy rằng nhóm tinh trùng có đuôi dài tương đương nhau có khả năng di chuyển tốt hơn nhóm tinh trùng có đuôi không đều nhau.
Tiến sĩ James Mossmon và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu với 103 đàn ông đang điều trị tại khoa hiếm muộn thuộc bệnh viện thực hành Sheffield ở Yorkshire (Anh). Những người đàn ông này được lấy mẫu tinh dịch để kiểm tra và phân tích.
Tinh trùng đồng đều có khả năng bơi tốt hơn. Ảnh: Corbis.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tinh trùng càng khác biệt về độ dài, khả năng di chuyển của chúng càng chậm. Kết quả phân tích cũng cho thấy tinh trùng khác nhau về độ dài trong phần lớn mẫu được lấy. Đây có thể là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản của những người đàn ông này.
“Kiểm tra mức độ đồng đều của các tinh trùng có thể giúp hiểu rõ hơn về chức năng của tinh hoàn và năng suất sinh sản con giống của cơ quan này”, nhóm nghiên cứu cho biết trên Daily Mail.
Nghiên cứu này là một bằng chứng nữa giúp giải thích tại sao chỉ 1% trong số 300 triệu tinh binh được người đàn ông giải phóng trong một lần quan hệ có thể đi tới tử cung của người phụ nữ và chỉ vài chục tinh trùng có thể gặp trứng sau đó.
Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Warwick và Birmingham (Anh) phát hiện phát hiện thấy rằng tinh trùng có xu hướng tránh bơi ở ‘làn giữa’, thay vào đó, chúng bò dọc thành của ống tử cung. Họ cũng nhận thấy tinh binh bị mất phương hướng trong quá trình bơi trong âm đạo và cổ tử cung. Điều này khiến chúng thường xuyên đâm vào nhau trong quá trình di chuyển.