Tiêm mũi bổ sung, nhắc lại vắc-xin COVID-19 cho những trường hợp nào?

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19, Bộ Y tế quy định sẽ tiêm liều vắc-xin bổ sung cho một số trường hợp.

Ngày 1/12, Bộ Y tế có văn bản về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại, trong đó quy định cụ thể các đối tượng được tiêm liều bổ sung, tiêm nhắc lại, khoảng cách và số liều.

Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất một liều vắc-xin và gần 68% người tiêm đủ 2 liều. Một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80- 90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn. Việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên cần được ưu tiên tối đa.

Vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).

Vắc-xin phòng COVID-19. (Ảnh minh họa).

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài ra, để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 sẽ tiêm liều bổ sung cho các đối tượng sau:

- Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm một hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine).

- Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV. 

- Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

Loại vắc-xin: Tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc-xin mRNA.

Về khoảng cách: Tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc-xin.

Tiêm liều nhắc lại vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng:

- Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền.

- Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế.

- Người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Loại vắc-xin: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin mRNA.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin AstraZeneca.

Khoảng cách: Tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Vắc-xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc-xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc-xin.

Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu Lãnh đạo Bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp và xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc-xin.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN