Thuyên tắc ối: “trời kêu” phải dạ?

Gần đây, tại một số tỉnh thành xảy ra các ca tử vong mẹ và con do thuyên tắc ối đã gây xôn xao dư luận. Vậy thuyên tắc ối nguy hiểm như thế nào, có thể điều trị và dự phòng được không?

Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch ối, những tế bào thai nhi: tóc, phân su... đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây phản ứng dị ứng, khiến người mẹ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy thuyên tắc ối xảy ra với tỉ lệ từ 1/8.000 đến 1/80.000 ca sinh.

Sinh mổ vẫn không tránh được

Những thành phần bong tróc của thai nhi trong dịch ối có thể vào hệ tĩnh mạch mẹ thông qua tĩnh mạch cổ trong cổ tử cung, vị trí nhau bám hoặc vị trí tổn thương của cơ tử cung và gây phản ứng dị ứng trong suốt cuộc chuyển dạ sinh thường, sinh mổ hoặc sinh thủ thuật. Vì vậy, sinh mổ không tránh được thuyên tắc ối.

Thuyên tắc ối: “trời kêu” phải dạ? - 1

TS.BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ) khám thai cho thai phụ chuẩn bị sinh - Ảnh: N.C.T.

Các chuyên gia cho rằng thuyên tắc ối xảy ra khi có ba điều kiện sau đây: vỡ màng ối, vỡ tĩnh mạch của tử cung hay cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch mẹ.

Lịch sử thuyên tắc ối

Mặc dù trường hợp thuyên tắc ối đầu tiên được mô tả vào năm 1926, tuy nhiên đi ngược dòng lịch sử trước đó hơn 100 năm, vào năm 1817 một bác sĩ sản khoa tên Sir Richard Croft đã bị chỉ trích rộng rãi vì trường hợp tử vong đột ngột của một thai phụ với một bé trai còn nằm trong bụng mẹ. Thai phụ xấu số này là công chúa Charlotte của Xứ Wales. Sự lên án mạnh mẽ của triều đình và dư luận đã dẫn đến quyết định tự tử của bác sĩ Croft. Mãi cho đến những năm 1970, nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy công chúa Charlotte chết vì thuyên tắc ối đã làm thay đổi quan điểm cho rằng bác sĩ Croft sai sót trong điều trị.

Thuyên tắc ối có thể xảy ra trước, trong và ngay sau khi sinh. Những yếu tố nguy cơ bao gồm nhau bong, tử cung quá căng trong thai to, đa thai, đa ối, thai chết lưu, chấn thương, dùng oxytocin trong chuyển dạ, đa sản, mẹ lớn tuổi, vỡ ối. Nạo hút thai, truyền dịch ối, chọc hút ối hay chấn thương bụng cũng có thể xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên vẫn có số ít trường hợp thuyên tắc ối xảy ra không kèm những yếu tố kể trên.

Thuyên tắc ối có thể xảy ra ở tất cả chủng tộc, màu da và độ tuổi.

Sinh lý bệnh trong thuyên tắc ối

Thường xảy ra ở giai đoạn cuối của cuộc chuyển dạ, sản phụ đột ngột khó thở, da xanh tái xảy ra trong vòng vài phút đầu tiên, nhanh chóng theo sau là tụt huyết áp, phù phổi, sốc, có những biểu hiện thần kinh như lú lẫn, mất ý thức, co giật và hôn mê. Có một số sản phụ trước khi vào choáng biểu hiện hốt hoảng, lo lắng, than lạnh, khó thở và nôn mửa. Hơn 80% ngưng tim phổi trong vòng những phút đầu tiên, sau đó là rối loạn đông máu, đờ tử cung.

Giả thuyết cho rằng dịch nước ối và những tế bào thai khi vào tuần hoàn phổi của máu mẹ gây thúc đẩy phản ứng phản vệ, quá trình bệnh lý xảy ra qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Sản phụ khó thở cấp kèm tụt huyết áp. Giảm oxy huyết gây tổn thương hệ mạch máu nuôi cơ tim và mạch máu phổi, ngừng cung cấp máu đến tim và phổi, quá trình này nhanh chóng tiến triển đến suy tim trái và suy hô hấp cấp, ngay sau đó sản phụ rơi vào hôn mê. Tử vong mẹ và con thường xuất hiện trong giai đoạn này. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 60-80%, tuy nhiên vài báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ ở giai đoạn 1 khoảng 30%.

- Giai đoạn 2: Phần lớn sản phụ không sống sót qua giai đoạn 1. Trong số các sản phụ còn sống sót ở giai đoạn 1 có khoảng 40-50% người sẽ bước vào giai đoạn 2. Đây là giai đoạn chảy máu và có thể kèm theo rét run nặng, ho, nôn ói và cảm giác khó chịu trong miệng. Do chảy máu quá mức sẽ đưa đến rối loạn đông máu, đờ tử cung, bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa, suy sụp tuần hoàn và có nguy cơ cao tử vong mẹ. Sự suy sụp tuần hoàn dẫn đến suy thai và tử vong thai nhi nếu không được mổ lấy thai kịp thời.

Chẩn đoán

Chẩn đoán trên lâm sàng dựa vào các dấu hiệu:

- Khó thở, hạ oxy huyết cấp, ngưng thở, ngưng hô hấp.

- Hạ huyết áp và ngừng tim đột ngột.

- Bệnh lý đông máu xảy ra đột ngột.

- Xảy ra trong quá trình nong nạo, chuyển dạ, mổ lấy thai hoặc trong vòng 30 phút đầu sau sinh.

- Không có bất kỳ bệnh lý nội khoa như tim mạch, hô hấp, bệnh về máu... nào trước đó.

Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng đã kể trên (khó thở, tụt huyết áp, da xanh tái, phù phổi...) và các xét nghiệm cận lâm sàng: đo điện tim, đông máu toàn bộ... giúp hướng đến chẩn đoán thuyên tắc ối chứ không thể chẩn đoán xác định thuyên tắc ối. Việc chẩn đoán xác định thuyên tắc ối là phải giải phẫu tử thi, tìm thấy các thành phần thai nhi như da, lông tóc, phân su... của dịch ối hiện diện trong tuần hoàn phổi mẹ.

Nếu xảy ra thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong mẹ hơn 80% dù tỉ lệ sống sót của thai nhi có thể đến 70%. Thống kê cho thấy 50% sản phụ sẽ chết trong giờ đầu khi khởi phát triệu chứng và trong số sống sót sau đó phần lớn trường hợp để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Cho đến nay không có biện pháp dự phòng hữu hiệu đối với thuyên tắc ối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN