Thương tâm bé 6 tuổi tử vong vì bị chó cắn lại đi khám thầy lang
Thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong.
Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan nghe hoặc điều trị theo thầy lang, dẫn đến những cái chết thương tâm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trao đổi với phóng viên ngày 15/9, Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng không tiêm dự phòng vaccine mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại.
Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa.
Bị chó cắn có thể tử vong nếu không tiêm phòng dại. (Ảnh: Việt Linh)
“Cách đây vài ngày, ở Thái Bình, một gia đình có 2 chú cháu bị chó dại cắn. Người chú 40 tuổi thì tiêm phòng, còn đứa cháu 6 tuổi, gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Bs Cấp cũng cho biết, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi lên cơn dại, người bệnh sẽ tử vong. Hiện nay vaccine phòng dại rất an toàn, nếu bị chó, mèo nghi dại cắn nên tiêm vaccine dự phòng càng sớm càng tốt.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, cả đã ghi nhận 56 người tử vong do bệnh dại.
“Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Nếu sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người bệnh được tiêm vaccine thì có thể cứu sống được cả 56 người trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.
Để phòng chống bệnh dại, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Người dân không thả rông chó mèo hoặc ra đường phải đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo.
Đặc biệt, khi bị chó mèo cắn, cào, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn; Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương sau đó, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại; Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu hình thức phê bình nếu trên địa bàn có người chết vì bệnh dại, tuyệt đối không...