Thuốc trị cảm có thể làm giảm trí nhớ?
Nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Indiana mới đây cho thấy một vài loại thuốc kháng histamine và thuốc trị cảm có chứa kháng cholinergic có thể làm giảm trí nhớ khi lớn tuổi.
Thuốc kháng cholinergic là các thuốc được sử dụng để chữa các chứng bệnh nhẹ như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, mất ngủ, say xe, ợ chua…
Theo nghiên cứu, một số người trên 70 tuổi được xem xét các chức năng của não bằng nhiều phương pháp quét não và kiểm tra nhận thức. Những người sử dụng thuốc kháng cholinergic được nhận thấy có não nhỏ hơn và bị hư hại nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm tra nhận thức của họ cũng thấp hơn người không dùng thuốc.
Người dùng thuốc kháng cholinergic cũng có mức độ chuyển hóa glucose thấp hơn, đây là biểu thị sinh học cho hoạt động của não, ở bộ phận đi liền với trí nhớ thường bị ảnh hưởng sớm khi mắc bệnh Alzheimer.
Hình minh họa.
Các nhà khoa học cho biết có hơn 100 loại thuốc chứa thành phần kháng cholinergic. Các hóa chất này ngăn chặn acetylcholine, một dẫn truyền thần kinh liên lạc từ tế bào thần kinh đến các tế bào khác. Trong não, acetylcholine rất quan trọng để học hỏi và ghi nhớ. Với các phần khác của cơ thể, chất này khởi động việc co thắt của cơ.
Trước đây, đã từng có nhiều nghiên cứu về việc thuốc kháng cholinergic ảnh hưởng đến não. Các loại thuốc này có liên hệ đến các vấn đề về suy nghĩ và ghi nhớ ở người lớn tuổi. Người già sử dụng thuốc này thường có vấn đề về trí nhớ, bao gồm mất trí. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy chức năng não của người lớn tuổi thay đổi chỉ sau hai tháng dùng thuốc loại này.
Não của người mắc Alzheimer thường bị thiếu acetylcholine, và thuốc có thể khiến tình trạng này tệ hơn, thậm chí làm teo não. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng thuốc kháng cholinergic trong ít nhất ba năm có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer đến 54%, và càng dùng lâu thì nguy cơ càng cao.
Ngay cả nhiều loại thuốc phổ biến khác cũng có thể chứa thành phần kháng cholinergic, bao gồm thuốc chống trầm cảm, Parkinson, kiểm soát bàng quang, hay sirô trị ho…