Thuốc tiêm, dịch truyền đâu phải thần dược

Tiêm thuốc, truyền thuốc qua đường tĩnh mạch, truyền dịch… thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu hoặc một số tình huống đặc biệt.

Xảy ra tai biến chết người, thân nhân của người phụ nữ tử vong sau 2 mũi tiêm tại phòng khám tư ở tỉnh Tiền Giang hôm 9-1 bàng hoàng nói trên một tờ báo mạng: “Chị gái tôi buổi sáng chỉ kêu hơi nhức đầu. Giống như người dân ở đây, mỗi lần bệnh nhẹ, chị thường chỉ đến bác sĩ tư tiêm vài mũi là thôi…”.

Nguy cơ sốc phản vệ cao hơn

Đến phòng mạch tiêm thuốc, truyền nước cho “mau khỏe” vẫn là lựa chọn của khá nhiều người dân, đặc biệt là dân cư ở các vùng ven, thôn quê mỗi khi thấy trong người “mệt mệt”. Nhiều người nói họ cảm thấy mau khỏe, mau hết sốt, hết mệt sau tiêm truyền hơn là khi sử dụng thuốc qua đường uống nên sẵn sàng yêu cầu được điều trị bằng thuốc tiêm và dịch truyền cho dù chấp nhận tốn kém hơn.

Ít ai biết rằng trong các bệnh viện (BV),  ngoài các đơn vị tiêm vắc-xin, việc tiêm, truyền thuốc hay truyền dịch thường chỉ được thực hiện tại phòng cấp cứu, phòng hồi sức trong trường hợp bệnh nhân đang nguy cấp hoặc không có khả năng dùng thuốc qua đường uống bởi chúng có thể gây nguy hiểm nếu bị lạm dụng. Những ca tai biến chết người sau tiêm xảy ra liên tiếp tại các phòng khám thời gian qua là một ví dụ.

Thuốc tiêm, dịch truyền đâu phải thần dược - 1

Chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Theo BS Tô Vĩnh Ninh, Trưởng Khoa Cấp cứu và ngoại trú BV Quốc tế Hạnh Phúc, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc qua hình thức tiêm, truyền trong các trường hợp: bệnh nhân không thể uống thuốc được (do hôn mê, quá yếu, có vấn đề về khả năng nuốt…), các ca cấp cứu cần thuốc có tác dụng nhanh, khi sử dụng những loại thuốc không có dạng viên nén...

Thuốc uống luôn là ưu tiên và phòng điều dưỡng ở các BV thường có trách nhiệm thống kê, theo dõi lượng thuốc uống, tiêm, truyền được chỉ định để bảo đảm thuốc tiêm, truyền không bị lạm dụng. Quan trọng hơn, thuốc dùng qua đường tiêm, truyền tác dụng nhanh thì tác dụng phụ cũng nhanh và dễ gặp hơn. “Một trong những tác dụng phụ đáng lo ngại là tình trạng dị ứng thuốc, biểu hiện nặng nhất là sốc phản vệ. Tỉ lệ sốc khá thấp nên bệnh nhân không nên quá lo ngại nhưng cũng đừng chủ quan và rước những nguy cơ không cần thiết khi cố yêu cầu bác sĩ chích thuốc trong khi tình trạng của mình chỉ cần vài viên thuốc uống” - BS Ninh cho biết.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, phân tích: “Cùng một loại thuốc nhưng nếu đưa vào thẳng mạch máu qua ngả tiêm, truyền dịch thì thuốc sẽ tiếp xúc thẳng với hệ miễn dịch của cơ thể nên dễ gây phản ứng hơn so với thuốc uống. Điều này có nghĩa là khả năng sốc phản vệ do thuốc cũng cao hơn.

Chưa kể nếu bệnh nhân được tiêm, truyền thuốc ở nơi không có điều kiện bảo đảm, hệ thống ống truyền, kim tiêm… không sạch sẽ, thuốc không được bảo quản đúng cách hay lẫn tạp chất… thì nguy cơ bị phản ứng, sốc phản vệ còn nhiều hơn, không phải sốc do thuốc mà do chính các tạp chất, bụi bẩn xâm nhập cơ thể. Vì những lý do trên, biện pháp tiêm, truyền thuốc chỉ được áp dụng nhiều nhất ở khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực. Cho rằng “chích thuốc thì mau khỏe hơn uống” là không đúng”.

Truyền dịch: Chỉ dành cho người bệnh nặng

Theo BS Siêu, “truyền nước” - theo cách nói dân gian - thường để chỉ việc truyền bổ sung nước muối sinh lý, đạm, đường… cho người bệnh. Có 3 loại dịch truyền thông dụng nhất hay được sử dụng trong y khoa và cũng là các loại dịch truyền được các bác sĩ ở phòng khám truyền cho bệnh nhân có yêu cầu, đó là dung dịch nước muối sinh lý natri clorua 0,9%, dung dịch bù nước điện giải Lactate Ringer, dung dịch chứa glucose. Nước muối sinh lý, dung dịch bù nước điện giải chủ yếu dùng trong trường hợp bệnh nhân bị mất nước, không thể bổ sung nước bằng đường uống, người bị giảm thể tích tuần hoàn… Dung dịch glucose thường truyền cho bệnh nhân suy nhược, hạ đường huyết, không thể ăn qua xông. Theo đó, đối tượng sử dụng dịch truyền thường là những người bệnh nặng, hôn mê, không thể ăn uống…; còn với người chỉ “mệt mệt” thì hoàn toàn vô tác dụng. Thậm chí, họ còn có thể rước họa nếu đang mắc một số bệnh lý, đang mang thai mà tốc độ truyền dịch lại nhanh quá, gây tăng tuần hoàn quá mức mà biến chứng nguy hiểm nhất là phù phổi cấp.

BS Ninh cho biết cảm giác “truyền xong khỏe hẳn” thực chất một phần do tâm lý, một phần do các loại dịch truyền cũng chứa một ít năng lượng, thông thường khoảng 200 Kcal, nên người bệnh cũng cảm thấy khỏe thêm một chút. “Tuy nhiên, với mức năng lượng khoảng 200 Kcal này, có thể bổ sung dễ dàng hơn bằng… một ly nước chanh, ngon và dễ uống hơn, không việc gì phải nằm vài giờ trong BV để truyền dịch” - BS Ninh khuyên. 

Tiêm vitamin ​vẫn có thể sốc

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, nhiều người nghĩ đơn giản chỉ tiêm thuốc bổ thì an toàn, không nguy hiểm như tiêm kháng sinh nhưng điều này chưa chắc. Theo các nghiên cứu, một số loại vitamin như B1, B6, B12, C... cũng thuộc nhóm dễ gây sốc phản vệ nếu tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Ngay cả trong BV, nơi có đủ phương tiện, bác sĩ hết sức cân nhắc khi tiêm những loại này và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân đã quá suy kiệt, hôn mê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN