Thuốc, thịt nhiễm chất cấm ở Trung Quốc
Vụ vỏ thuốc làm từ chất gelatin công nghiệp gây ung thư còn đang nóng hổi thì người dân Trung Quốc lại phập phồng lo sợ trước nguy cơ thịt đỏ nhiễm chất tạo nạc clenbuterol độc hại.
Theo Cục Giám sát, kiểm định và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (SFDA) ngày 28-4 tiếp tục phát hiện thêm 74 kiện vỏ thuốc làm bằng chất gelatin công nghiệp có nhiễm chất chromium gây ung thư của 15 công ty dược. Một công ty ở Ninh Hạ bị bắt quả tang đổ ra đường hơn 500.000 vỏ thuốc con nhộng.
“Chính phủ sẽ tước giấy phép sản xuất của các công ty này. Những cá nhân trực tiếp liên quan sẽ bị trục xuất khỏi ngành dược phẩm” - SFDA nhấn mạnh.
SFDA đã ra lệnh từ ngày 1-5, các hãng sản xuất chất gelatin dược dụng, vỏ thuốc và thuốc con nhộng phải kiểm tra nghiêm ngặt từng kiện hàng nguyên liệu thô trước khi sản xuất. Sản phẩm sau khi rời nhà máy sẽ tiếp tục bị kiểm tra chất lượng. SFDA yêu cầu chính quyền các địa phương “trừng trị nghiêm khắc” bất cứ hãng dược nào sản xuất vỏ thuốc chứa chất chromium vượt mức cho phép.
Mối lo chất tạo nạc
Trong khi vụ vỏ thuốc chứa chất gây ung thư này vẫn còn nóng hổi, dư luận Trung Quốc lại lên cơn sốt... với thịt đỏ. Báo Chiều Dương Tử cho biết Tổng cục Thể dục thể thao (GAP) vừa cấm các vận động viên Trung Quốc đi dự Thế vận hội mùa hè tháng 7 tại London (Anh) không được ăn thịt heo, bò, cừu. Một quan chức GAP tiết lộ 196 vận động viên thuộc các môn thể thao dưới nước đã ngừng ăn thịt đỏ trong 40 ngày qua và chỉ dùng bột protein và cá để đáp ứng nhu cầu protein cần thiết.
"Dù người dân Trung Quốc đang giàu có hơn, nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc hơn. Những vấn đề xã hội phải đối mặt là bất công xã hội, lạm phát cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn" Trên đây là một nội dung được đăng tải trên trang China.org.cn, trang web chính thức của Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 3-2011 "Người Trung Quốc giờ có nhiều tiền hơn và muốn tận hưởng cuộc sống. Nhưng chúng tôi có thể tận hưởng loại thực phẩm nào đây? Chúng tôi không thể nào hạnh phúc được khi mà ngày nào cũng lo ngay ngáy về mọi thứ thức ăn mình cho vào miệng" Báo mạng Asia Times bổ sung danh sách không hạnh phúc cho năm 2012 GAP lo ngại thịt đỏ có chứa chất tạo nạc clenbuterol, một chất bị cấm sử dụng trong thể thao. Nhà vô địch môn judo tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 là Đông Văn đã xét nghiệm dương tính với chất clenbuterol trong cuộc thi năm 2010 và bị cấm thi đấu hai năm do đã ăn thịt chứa chất tạo nạc clenbuterol. |
Thịt đỏ bị nghi là có chứa chất tạo nạc. (Ảnhminh họa)
Theo Nhật báo Thượng Hải, các quan chức Cục Thể thao tỉnh Giang Tô tiết lộ họ phải thường xuyên gửi thịt đến Trung tâm chống doping quốc gia để xét nghiệm trước khi nấu ăn cho các vận động viên. Trong khi đó, đội vận động viên marathon Trung Quốc dự Thế vận hội thậm chí đã phải tự nuôi gà để ngăn chặn nguy cơ ăn phải thực phẩm có độc. Nhiều vận động viên khác ăn thịt do chính gia đình họ nuôi và chế biến.
Từ năm 1997, Trung Quốc đã cấm chất tạo nạc clenbuterol trong thức ăn cho gia súc, nhưng thịt heo, bò, cừu chứa clenbuterol vẫn cứ tràn ngập trên thị trường nước này. Tháng 9-2006, hơn 330 người ở Thượng Hải đã bị ngộ độc do ăn phải thịt heo chứa clenbuterol. Tháng 2-2009, hơn 70 người ở Quảng Đông phải nhập viện vì lý do tương tự.
Từ tháng 3-2011, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã mở chiến dịch chống chất tạo nạc trong chăn nuôi sau vụ công ty sản xuất thịt lớn nhất Trung Quốc Song Hối bị phát hiện có sử dụng clenbuterol. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 72 người ở tỉnh Hà Nam, nơi Tập đoàn Shuanghui đặt trụ sở. Mối lo chất tạo nạc tạm thời lắng xuống cho đến ngày 18-4 vừa qua, khi báo Chiều Dương Tử lại gióng lên hồi chuông báo động mới.
Sự phẫn nộ bùng phát
Truyền thông và dư luận Trung Quốc đặt vấn đề nếu thịt heo, bò, cừu có thể ảnh hưởng đến các vận động viên thể thao, thì không có lý do gì lại không đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng bình thường. Ngày 28-4, chính Trung Quốc Nhật Báo đã lên tiếng tố cáo vụ thịt nhiễm clenbuterol và yêu cầu “chính quyền cần mạnh mẽ và dũng cảm cải tổ hệ thống thực phẩm”.
Theo báo mạng Asia Times, người tiêu dùng Trung Quốc cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với các vụ bê bối dược phẩm và thực phẩm một cách dữ dội hơn. Trang mạng xã hội Weibo tràn ngập hàng trăm ngàn bình luận chỉ trích dữ dội các công ty dược sản xuất vỏ thuốc chứa chất gây ung thư. “Có thể không chỉ vỏ thuốc có vấn đề. Chúng ta không thể nào tin các công ty vô lương tâm này được” - một blogger viết.
Tại một nhà máy sản xuất gelatin công nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc, nơi cung cấp gelatin nhiễm chất chrome độc hại cho nhiều công ty dược Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.
Thời báo Kinh Hoa cho biết số lượng người mua thuốc con nhộng ở Trung Quốc hiện sụt giảm đáng kể. Tờ báo dẫn lời một bệnh nhân họ Trương ở Bắc Kinh khẳng định: “Nếu buộc phải dùng thuốc thì tôi sẽ tách riêng thuốc và vỏ ra để uống”. Nhiều người khác nói sẽ tẩy chay thuốc con nhộng”
Giới tin tặc Trung Quốc cũng đã ra tay trừng trị. Theo báo Chiều Dương Tử, trang web của Công ty dược Thông Hoa Kim Mã mới đây đã bị đánh sập. Trên trang xuất hiện thông điệp: “Sao các người có thể dùng giày dép vứt đi để làm thuốc? Tất cả tin tặc Trung Quốc phải hợp sức đập tan các công ty tội phạm này”. Trang web của Tập đoàn dược phẩm Tu Chính cũng bị tấn công.
“Chính phủ trung ương phải có hành động thực tế, hiệu quả để siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm và đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cuộc kiểm tra nhằm thực thi các quy định đó” - Trung Quốc Nhật Báo nhấn mạnh.