Thuốc nội ế vì hoa hồng thấp!

Mặc dù Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” nhưng thực tế trên thị trường, thuốc nội vẫn bị thuốc ngoại lấn lướt.

Tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-8 ở Hà Nội, nhiều ý kiến cho thấy những năm qua, thuốc nội vẫn lép vế trên thị trường so với thuốc ngoại vì thiếu sự nhiệt tình của doanh nghiệp (DN), bệnh viện (BV), người dân, đặc biệt là các bác sĩ.

Lép vế trên sân nhà

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, trong năm 2009, tổng giá trị thuốc ngoại nhập của BV công lập chiếm 61,8%, trong khi thuốc nội là 38,2%. Tuy nhiên, riêng các BV tuyến Trung ương, thuốc ngoại chiếm ưu thế với khoảng 88%, thuốc nội chỉ trên dưới 12%.

Riêng BV tuyến huyện, thuốc nội có phần khá hơn: Năm 2010, số tiền mua thuốc ngoại tại các BV tuyến huyện là 38,5%, thuốc nội chiếm phần còn lại.
Mặc dù cho biết Việt Nam đã sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải thừa nhận: “Thuốc nội vẫn lép vế trên sân nhà vì người dân chuộng thuốc ngoại”.

Tuy nhiên, thực tế số liệu thuốc tại BV tuyến Trung ương và tuyến huyện cho thấy bệnh nhân không được lựa chọn thuốc cho mình mà do bác sĩ quyết định. Theo ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh), tại BV này, thuốc ngoại chiếm 55,2%, còn lại là thuốc nội.
Ông Tiệp cho biết thuốc nội dù được sử dụng nhiều nhưng đa số là loại thông thường như kháng sinh đường uống, thuốc bổ đường uống, dịch truyền… Vì vậy, số tiền chi cho thuốc nội chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng trong năm 2011, trong khi đó, số tiền chi cho thuốc ngoại cao gấp 2,5 lần.

Thuốc nội ế vì hoa hồng thấp! - 1

Tư vấn sản phẩm thuốc nội tại diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”

Nhiều loại không thua kém thuốc ngoại

Nhiều ý kiến cho rằng để thuốc nội đến được với người bệnh thì bác sĩ kê đơn có vai trò rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic (thuốc phiên bản, có nguồn gốc hóa học với các thuốc đã hết thời gian được bảo hộ độc quyền), tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị.

“Hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn đang hết sức khó khăn. Nếu kê đơn thuốc generic, đặc biệt là kê đơn thuốc sản xuất trong nước, chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều người thay vì chỉ cho một người với cùng một lượng kinh phí như nhau” - bà Tiến nhấn mạnh.

Để chứng minh thuốc nội không kém thuốc ngoại về chất lượng, nhiều DN dược đã đưa ra những bằng chứng về kết quả đánh giá tương đương sinh học là những sản phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp và kháng sinh. Đơn cử như Glucofine 850 mg, Glucofine 500 mg, Zinmax - Domesco 500 mg, Amlodipin 5 mg và Vosfarel MR… (của Domesco Đồng Tháp), tính an toàn và hiệu quả không thua gì thuốc cùng loại của Ấn Độ hay Hàn Quốc.

Thuốc trị viêm gan siêu vi B, C mãn tính Pegnano của Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TPHCM) cũng được đánh giá không thua gì thuốc của Thụy Sĩ hay Đức, trong khi giá chỉ bằng 1/3.

Phụ thuộc vào bác sĩ

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thuốc nội đang “lột xác” nhưng do tâm lý sính ngoại và tình trạng kê đơn bất hợp lý nên vẫn đang gặp khó khăn. Tại TPHCM, thuốc sản xuất trong nước chiếm 60% -70% ở BV đa khoa, trong khi ở các BV chuyên khoa chỉ khoảng 5% - 10%.
“Với nhiều mặt hàng, yếu tố giá thành rẻ có thể thu hút người tiêu dùng nhưng thuốc là mặt hàng đặc biệt nên không phải cứ rẻ là lấy được lòng tin của người dân. Vì vậy, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa thuốc nội với bác sĩ vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc họ rất nhiều” - bà Lan khẳng định.

Ông Cao Minh Quang cho rằng ngoài tâm lý sính ngoại, còn do các công ty dược nước ngoài tìm cách chi “hoa hồng” cho bác sĩ nên thuốc nội bị “ra rìa”.

Cung cấp sản phẩm tốt nhất

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc kêu gọi người Việt dùng thuốc Việt đã diễn ra nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới bắt đầu.

Công nghiệp dược là ngành có lãi, thậm chí siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu và gia công thuốc thì khó lòng phát triển được, thậm chí tự giết mình. “DN có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất và chứng minh được tác dụng tốt để người dân yên tâm sử dụng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN