Thuốc nam chữa bỏng: Nhiều trẻ tử vong
Ngay trong những ngày đầu tiên của mùa hè năm nay đã xuất hiện khá nhiều bệnh nhi tử vong, tai biến rất nặng do tùy tiện dùng thuốc nam để chữa bỏng.
Đã thành quy luật, cứ mỗi dịp hè, số trẻ em bị bỏng đến các BV cấp cứu, điều trị lại tăng đột biến. Điều đáng cảnh báo là ngay trong những ngày đầu tiên của mùa hè năm nay đã xuất hiện khá nhiều bệnh nhi tử vong, tai biến rất nặng do tùy tiện dùng thuốc nam để chữa bỏng.
Bỏng tăng do… nghỉ hè
Tại khoa Bỏng trẻ em - Viện Bỏng quốc gia, tính đến chiều 5-6 có tới 42 trẻ đang nằm điều trị, các giường bệnh trong khoa đều chật kín. Có những em bị bỏng nhẹ, có những trẻ bỏng rất nặng nhưng nguyên nhân lại giống nhau, chủ yếu là bỏng do nước sôi, nước canh, bỏng điện, do sinh hoạt tại nhà, do sơ suất của các bà mẹ, người chăm sóc…
Trẻ bị bỏng phần lớn dưới 5 tuổi, đây là những đối tượng rất cần sự chăm sóc, trông nom của gia đình và nhà trường nhưng do đang dịp nghỉ hè, nhiều trẻ phải ở nhà một mình, một số trẻ ở thành thị vì bố mẹ bận công tác nên giao phó hoàn toàn cho người giúp việc hoặc nhiều khi chủ quan, không chú ý đúng mức.
Trường hợp bệnh nhi M (4 tuổi, ở Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Khi đang chơi đùa ở nhà, em bất ngờ bị vấp vào nồi nước nóng để ngay cửa bếp, nước đổ vào người gây bỏng 22% cơ thể. Hay trường hợp bệnh nhi Hoàng Trung H (7 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng điện nặng ở gan bày tay, bàn chân, đã được mổ lần 1 để cắt phần hoại tử và dự kiến sẽ phải mổ ít nhất 3 lần nữa.
Đang dịp nghỉ hè, không phải đến trường, bố mẹ lại đi làm cả ngày, một hôm khi đang ngồi chơi ở lan can tầng 2 nhà mình, H dại dột dùng que sắt chọc vào đường dây điện cao thế dẫn đến bỏng điện. Nhiều trẻ ở nông thôn chơi thả diều bị vướng vào dây điện, tìm cách gỡ lại diều dẫn đến bỏng…
Bên cạnh đó, cũng có không ít trẻ bị bỏng một cách “oan uổng” do sự sơ suất của chính người chăm sóc. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhi Hoàng Minh T (7 tháng tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện ngày 3-6 vì bỏng nước sôi diện tích 25% cơ thể, trong đó 15% bỏng sâu. Nguyên nhân là do người nhà sơ ý đã kéo đổ phích nước sôi để đầu giường nằm của trẻ, nước nóng đổ vào người gây nên tai nạn đáng tiếc…
Bác sĩ Nguyễn Văn Vân, khoa Chữa bỏng trẻ em - Viện Bỏng quốc gia cho biết, thông thường cứ đến dịp hè là số trẻ bị bỏng nhập viện đều tăng. Ở những ngày đầu hè này, số trẻ nhập viện tuy chưa tăng đột biến song điều đáng tiếc đa phần nguyên nhân gây bỏng vẫn do sự chủ quan, sơ xuất từ người lớn, người chăm. Điều này đã được khuyến cáo rất nhiều mỗi năm nhưng vẫn xảy ra phổ biến.
Trẻ nhập viện bỏng tăng mạnh (ảnh minh họa)
Nguy kịch do chữa tùy tiện
Ngày 5-6, tại BV Bỏng Quốc gia, bệnh nhân V, người dân tộc Nùng, ở huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) đã tử vong do tình trạng bỏng biến chứng quá nặng. Theo bác sĩ Ngọc Minh, khoa Hồi sức cấp cứu, cháu bé này nhập viện ngày 4-6 trong tình trạng suy kiệt, cơ thể rất yếu, diện tích bỏng khoảng 15% ở lưng. Đến ngày hôm sau thì bé rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong. Điều đáng nói là bệnh nhi này chỉ bị bỏng nước sôi không quá nghiêm trọng nhưng do gia đình nghe theo lời một thầy lang gần nhà, mua thuốc nam về đắp để chữa. Vết bỏng không lành, cháu bé ngày càng gầy còm, hốc hác. Trước khi bị bỏng, trẻ nặng 12 - 13kg thế nhưng 2 tháng sau, khi được đưa vào viện cấp cứu, cân nặng của bé chỉ còn khoảng 5kg. Bác sĩ Minh cho biết, vết bỏng không quá nặng nhưng sau đến 2 tháng cháu bé mới được chuyển đến BV cấp cứu thì đã quá muộn.
Cũng theo bác sĩ Minh, không chỉ người dân ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc mà ngay ở Hà Nội cũng có không ít những trường hợp bị tử vong hoặc tai biến rất nặng do chữa bỏng không đúng. Mới đây, BV tiếp nhận một phụ nữ 22 tuổi ở Hà Nội, bị bỏng rộng gần hết một bên chân nhưng vẫn ở nhà, không chịu chữa trị gì, sau 2-3 ngày vết bỏng ở chân sưng phồng lên, gia đình mới gọi điện cấp cứu…Nhiều trường hợp khác khi bị bỏng, việc đầu tiên là tìm cách tự chữa trị bằng những bài thuốc, phương thức chữa bệnh được truyền miệng trong dân gian như bôi kem đánh răng, tưới nước mắm vào vết thương… nhưng trong y khoa, đây đều là những cách chữa bệnh không hiệu quả, thậm chí còn có hại. Lại có trường hợp một bệnh nhi bị bỏng, vì không hiểu biết đầy đủ nên bố mẹ cháu cho cả người cháu ngâm vào trong chậu nước sạch, kết quả là cháu bé khóc, ho dẫn tới sặc nước, nước tràn vào khí quản gây viêm phế quản…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng cần lập tức sơ cứu bằng cách làm giảm nhiệt độ bề mặt vết bỏng dưới vòi nước lạnh, sau đó đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng điều trị thay vì nhờ các thầy lang, vì họ thường không biết vết bỏng sâu đến mức độ nào. Hơn nữa, họ thường chữa bệnh theo kinh nghiệm, dùng một bài thuốc cho tất cả các loại bỏng, nên việc điều trị chỉ có tính may rủi. Quan trọng nhất, cần chủ động phòng tránh bỏng cho trẻ trong dịp nghỉ hè. |