Thực phẩm chức năng không chữa được ung thư

Rất nhiều người cho rằng, thực phẩm chức năng chả kém gì “thần dược”. Theo lời kể của một bác sĩ tại Bệnh viện K, ông đã từng khám và chỉ định điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư nhưng họ không tuân thủ phác đồ tại viện mà đi tìm mua thực phẩm chức năng để sử dụng. Kết quả, khối u phát triển rộng, tự họ làm khó cho thầy thuốc và làm khổ bản thân mình.

Trường hợp, bà Nguyễn Thị T ở Tây Hồ (Hà Nội), 85 tuổi, bị u nang buồng trứng. Cách đây 3 tháng bác sĩ chỉ định mổ nhưng lo sợ tuổi cao sức yếu nên bà T và gia đình từ chối và tìm mua thực phẩm chức năng với hy vọng sẽ tan khối u. Tuy nhiên, bệnh của bà T không những không khỏi mà khối u ngày càng phát triển nhiều hơn.

Chị Vân ở Hoàn Kiếm Hà Nội chia sẻ: “Tôi có người nhà đi Đức về mua một số loại thực phẩm chức năng nhưng thấy người này bảo tốt, người kia bảo không tốt nên vẫn chưa dám dùng”.

Lý giải về thực phẩm chức năng, Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: “Khái niệm thực phẩm chức năng là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trên thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thực phẩm chức năng đã phát triển đặc biệt là ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... Nó là sản phẩm hỗ trợ bổ sung và nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vẫn còn tình trạng nhiều nhà sản xuất, kinh doanh muốn bán nhiều sản phẩm, lợi dụng việc còn chưa nắm được quy định, nên quảng cáo quá mức. Khi thanh kiểm tra, chúng tôi phát hiện có những sản phẩm nâng cao sức đề kháng nhưng quảng cáo chữa cả HIV, ung thư, nếu không quản lý chặt, hậu quả rất lớn”.

Thực phẩm chức năng không chữa được ung thư - 1

Theo ông Phong (bên phải) thực phẩm chức năng không chữa được bệnh ung thư và HIV như lời đồn thổi

Ông Phong cũng thừa nhận nhiều bệnh nhân ung thư theo lời đồn thổi đã tự mua thực phẩm chức năng chữa bệnh và để lại hậu quả đáng tiếc. Ông Phong lấy ví dụ một người bị ung thư đáng lẽ phát hiện sớm họ có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị giúp người bệnh kéo dài cuộc sống, thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn nhưng lại tìm đến thực phẩm chức năng nên bệnh càng mất thời gian điều trị.

Đồng quan điểm với ông Phong, ông Lê Danh Tuyên, Viện Phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng: “Lần đầu tiên người Nhật đưa ra khái niệm thực phẩm chức năng vào những năm 80, sau đó phát triển rất mạnh. Thực phẩm chức năng có tác dụng rất rõ là sử dụng vi chất dinh dưỡng, bổ sung, phục hồi, đảm bảo chức năng nào đó của cơ thể. Các vi chất dinh dưỡng, chất khoáng, rất cần cho cơ thể, nhưng cần ở mức độ nhất định, không thể dùng quá liều. Mặt tốt của thực phẩm chức năng cũng cần khẳng định, nhưng không nên cho là sản phẩm chữa bách bệnh, dễ hiểu lầm và người tiêu dùng lạm dụng, rất không tốt. Với thực phẩm chức năng tốt, không bị làm giả dùng quá liều đã là không tốt, nếu không may sử dụng phải những loại làm nhái thì càng nguy hại hơn”.

Thực phẩm chức năng không chữa được ung thư - 2

Nên hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng thực phẩm chức năng. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia hàng đầu về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên đối với người sử dụng thực phẩm chức năng là “hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN