Thực hư cúc bách nhật chữa tiểu đường và bệnh gout
Mắc bệnh tiểu đường, gout không tàn khốc như ung thư nên người bệnh thường tìm đến các bài thuốc dạng thảo dược. Cúc bách nhật hiện đang được nhiều người truyền tai nhau.
Cắt chân vì tiểu đường
Hiện nay, cây cúc bách nhật đang ngày càng được bày bán tràn lan ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí loài cây này còn được bán trên mạng dưới dạng trà cúc bách nhật với quảng cáo có thể chữa được bệnh tiểu đường và bệnh guot, một trong hai loại bệnh thuốc rối loạn chuyển hóa đang khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm.
Có lẽ vì thế loài cây này cũng được nhiều người săn lùng về nhà phơi khô nấu nước uống với hi vọng có thể khỏi được bệnh. Hiện nay cây hoa cúc bách nhật được rao bán với giá 300 nghìn đồng/kg cây phơi khô.
Cúc bách nhật được quảng cáo chữa bệnh tiểu đường và gout
Ông Vũ Thế Trung nhà ở Chùa Láng, Hà Nội kể, từ hơn một năm nay ngày nào ông cũng dùng món trà cúc bách nhật để uống thay nước trà thông thường với hi vọng có thể khỏi được bệnh tiểu đường. Căn bệnh tiểu đường khiến ông Trung khốn khổ. Đặc biệt là biến chứng của bệnh gây viêm loét dạ dày khiến ông ăn không biết ngon, ngủ cũng không yên. Cứ hết hoa ông lại nhờ người ở quê tìm về phơi hộ. Không chỉ dùng riêng thân hoa mà cả lá ông cũng đem về phơi nấu nước uống.
Bệnh tiểu đường có rất nhiều biến chứng, thậm chí gây mù mắt, hoại tử bàn chân. Việc điều trị phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp của bà Vũ Thị Thu trú tại Vĩnh Phúc, Hà Nội là điển hình. Bà Thu bị bệnh tiểu đường và sử dụng trà cúc bách nhật hàng ngày. Gần 1 tháng nay, gót chân của bà xuất hiện các cục chai chân cứng. Bà ấy dao cắt vết chai để đi đỡ đau. Bà Thu không ngờ từ vết cắt đó nhanh chóng gây loét chân và đến nay bà phải cắt chân vì biến chứng của tiểu đường.
Tại khoa khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết ông tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tiểu đường biến chứng nặng chỉ vì không chữa theo đơn của bác sĩ mà lại đi tìm những bài thuốc truyền miệng nhau.
Đối với cây hoa cúc bách nhật, Giáo sư Bình cho hay: "Nếu thực sự chữa được bệnh gout hay tiểu đường thì người ta đã sử dụng nó từ rất lâu và người nào phát minh ra bài thuốc chữa được bệnh tiểu đường và gout thì cần phải tạc tượng để lưu danh muôn đời. Vì hiện nay, hai bệnh này là hai bệnh mãn tính, dai dẳng và không thể chữa khỏi được. Các bác sĩ chỉ điều trị hỗ trợ".
Giáo sư Bình khẳng định tất cả các bài thuốc đông y, nam y sử dụng trong điều trị 2 bệnh này chỉ có giá trị hỗ trợ chứ không thể chữa khỏi được bệnh hoàn toàn. Đối với bệnh tiểu đường cũng thể. Để hỗ trợ người bệnh có thể dùng trà xanh hay các loại khác. Ví dụ cây trà xanh có chứa tanin. Trước khi ăn cơm người bệnh uống một ly nước trà khiến cho chất này làm thành ruột keo lại và bớt hấp thụ đường hơn. Còn đối với cây cúc bách nhật, Giáo sư Bình cho biết ông chưa gặp một nghiên cứu nào nói về tác dụng của loài cây này với các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Chỉ là lời đồn đại
Mang câu chuyện về cây cúc bách nhật chữa tiểu đường, gout tới gặp bác sĩ Hoàng Sầm - Chủ tịch Viện Y học bản địa, bác sĩ Sầm cho biết đây là cây hoa nở ngày đất và chưa có công trình nghiên cứu nào về cây này chứng tỏ tác dụng chữa tiểu đường, gout.
Bác sĩ Sầm từng chứng kiến nhiều lời đồn đại về các loại thần dược mà đến nay nó vẫn diễn ra. Cách đây 14, 15 năm người ta đồn về cây Tu lình, hay còn gọi là cây con khỉ hoặc cây hoàn ngọc, chữa khỏi nhiều bệnh ung thư và một số bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp … Thế rồi, vị thế của nó dần chìm đi, chẳng ai nhắc tới nữa.
Sau đó lại rộ lên chuyện cây lược vàng chữa bách bệnh như ung thư, xuất huyết não, đau thần kinh tọa, điều hòa miễn dịch, chữa thoái hóa khớp, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh vảy nến …Thế rồi cũng chẳng ai nhắc tới nữa.
Theo bác sĩ Sầm, Cúc bách nhật, còn gọi hoa nở ngày, cây nở ngày đất, bách nhật hồng, thiên nhật hồng, thiên kim hồng, thuộc chi Gomphrena, họ rau dền Amaranthaceae, Bộ Cẩm Chướng Caryophyllales thuộc ngành ngọc lan, tên khoa học đầy đủ là Gomphrena globasa.L
Ở nước ta chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cây này để làm thuốc chữa bệnh. Nếu có dùng thì chỉ là kinh nghiệm dân gian trong một số trường hợp sau: đau khớp nhẹ; viêm phế quản thể hen, nhiễm khuẩn, lợi tiểu, giảm hàm lượng đường trong máu.
Do tính mát và lợi tiểu nên có thể giảm sốt ở trẻ em và tăng thải urat qua đường niệu, tác dụng này trong đông y cũng là thường tình. Trong khi bệnh gout là bệnh chuyển hóa hóa học hết sức phức tạp, liên quan mạnh đến thận, tim, gan, nội tiết tố nam, nữ, chuyển hóa mỡ và hệ miễn dịch…
“Với tư cách là một thầy thuốc có trách nhiệm, cá nhân tôi khẳng định cây nở ngày đất không thể và không bao giờ chữa khỏi được bệnh gout. Chúng có thể giảm đau, chống viêm, chống o xy hóa và lợi tiểu tạm thời trong bệnh gout mà thôi” – bác sĩ Sầm khẳng định.