Thực hư "chủng virus sốt xuất huyết mới, ăn cơm thủng ruột"

Vừa qua, có thông tin phản ánh về một chủng virus sốt xuất huyết mới rất nguy hiểm. Theo đó, người bệnh không được ăn cơm vì nếu ăn cơm sẽ bị thủng ruột nên chỉ được uống nước cháo, nước cam, oresol... Ngoài ra, bệnh nhân phải kiêng gió, không được đánh răng, tắm vì nếu chảy máu sẽ không cầm được do máu không đông.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Thông tin xuất hiện chủng virus sốt xuất huyết mới là không chính xác. Chưa có thông báo mới nhất nào của Bộ Y tế về chủng virus nêu trên”.

Thực hư "chủng virus sốt xuất huyết mới, ăn cơm thủng ruột" - 1

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Bác sĩ Cấp cho biết, tại Khoa Cấp cứu, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian gần đây. Trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 50 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng gấp 2 đến 3 lần nhưng vẫn chưa phát hiện chủng virus mới.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân ăn thực phẩm mềm để tránh nguy cơ bị hóc, xước dẫn tới khó cầm máu. Nếu cấm bệnh nhân ăn cơm vì lo sợ bị thủng ruột là không cần thiết.

Ngoài ra, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không dùng bàn chải đánh răng quá cứng dẫn tới xước, chảy máu mà nên đánh răng bằng bàn chải mềm để hạn chế nguy cơ gây ra các vết thương.

“Không bác sĩ nào cấm đánh răng đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Tắm cũng tương tự, chỉ lưu ý bệnh nhân tránh va đập dẫn tới chảy máu”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, việc đánh răng, tắm nhằm giữ vệ sinh răng miệng và cơ thể là điều cần thiết.  Nếu người bệnh kiêng đánh răng, tắm, cơ thể bẩn quá sẽ có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn gây khó khăn trong điều trị.

Theo Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguyên nhân của khuyến cáo trên là khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết dengue ở giai đoạn 2 có tình trạng bị tăng tính thấm thành mạch và giảm tiểu cầu.

Trong đó, tăng tính thấm thành mạch là các dịch trong mạch máu thoát ra ngoài dẫn đến tình trạng máu bị cô đọng lại. Đây là biến chứng nghiêm trọng của sốt xuất huyết cao và là biến chứng gây tử vong chủ yếu nếu không được xử trí kịp thời.

Với biến chứng giảm tiểu cầu, trên lâm sàng, bệnh nhân sẽ thấy các chấm xuất huyết ở dưới da, có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, …  Nếu giảm tiểu cầu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xuất huyết nặng hơn như xuất huyết nội tạng, chảy máu dạ dày tá tràng, thậm chí có xuất huyết não, máu không đông…

Do đó, với bệnh nhân sốt xuất huyết có biến chứng giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân tránh tối đa bị chảy máu. Tiểu cầu giảm xuống thấp sẽ giảm khả năng tự đông máu, cầm máu gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN