Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao
“Đánh giá bước đầu nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngày 30/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành Y tế 63 tỉnh thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và nước ta đang có diễn biến hết sức phức tạp.
Nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao.
Thứ trưởng Tuyên nhận định tại nước ta hiện quan tâm hai ổ dịch lớn là quán bar tại TP HCM và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế đánh giá hiện tại đây có 3 tâm dịch: Trung tâm nhiệt đới, khoa Thần Kinh và đặc biệt là khu vực nhà ăn của Công ty Trường Sinh.
“Đánh giá bước đầu nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao. Nguy cơ cao nhất là nhóm bệnh nhân đã điều trị tại đây ra viện hoặc được chuyển tuyến. Sau khi xác định là ổ dịch, để tránh lây nhiễm trong bệnh viện, lây truyền giữa bệnh nhân-bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát và chuyển một số đối tượng về tuyến dưới”, thứ trưởng Tuyên nói.
Ngoài ra, cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị; học sinh và sinh viên đến thực tập; người phục vụ bệnh nhân (gồm có 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ bệnh nhân như con, cháu và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân); nhân viên phục vụ tại bệnh viện gồm phục vụ tại nhà ăn và nhân viên lái xe điện, bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường… cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19.
“Từ những nhóm nguy cơ này nếu không được phát hiện và giám sát chặt chẽ thì đây là một trong những nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì thế, một trong những việc cần quan tâm là những đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai”, Thứ trưởng Tuyên nói.
Theo đánh giá, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu tuyến y tế cơ sở tập trung giải quyết 2 vấn đề như: Phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và hạn chế lây ra cộng đồng.
Thực tế, thời gian qua các lực lượng đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện từng trường hợp, đã lập được danh sách các trường hợp đi từ nước ngoài về, đã ở cộng đồng dân cư từ ngày 8/3. Khi đã có danh sách đối tượng thì vấn đề phát hiện ca nhiễm tại cộng đồng hết sức quan trọng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn 2 tuần là thời gian vàng để triển khai tích cực các biện pháp chống dịch.
Đến 6h sáng 30/3, cả nước có 194 ca bệnh. Theo thứ trưởng Tuyên, việc lây truyền dịch bệnh phụ thuộc 3 yếu tố chính. Cụ thể: Người mang dịch từ nước ngoài về. Tổng hợp sơ bộ cho thấy có khoảng có khoảng 70% các ca mắc là mang dịch từ nước ngoài về; Phát hiện sớm người bị bệnh và cách ly ngay, nhằm khống chế sự lây nhiễm ra cộng đồng; Điều trị bệnh nhân măc Covid-19, liên quan đến việc lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Trưa 29/3, Bộ Y tế ra thông báo khẩn số 9, khuyến cáo người dân đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 trở lại đây cần thực...
Nguồn: [Link nguồn]