Thư trong Về nhà đi con bị bong nhau non, tai biến ác mộng của các bà bầu

Sự kiện: Mang thai

Ở tập 62 của Về nhà đi con, Thư có dấu hiệu sinh được bố Sơn đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ thông báo Thư bị bong nhau non phải mổ cấp cứu. Bong nhau non là một tai biến thai kỳ rất nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Hình ảnh Thư bị bong nhau non trong phim Về nhà đi con

Hình ảnh Thư bị bong nhau non trong phim Về nhà đi con

Theo bác sĩ Vũ Thị Huyền, Khoa Sơ sinh (BV Sản Nhi Quảng Ninh) rau bong non vô cùng nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi, tuy nhiên, ít ai hiểu rõ về tai biến thai kỳ nguy hiểm này.

Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa, diễn tiến bệnh rất nhanh gây tử vong mẹ và con. Đây là trạng thái bánh nhau bong sớm một phần hay hoàn toàn trước khi thai được sinh ra ngoài. Nhau thai một khi đã bong ra khỏi thành tử cung có nghĩa là dòng máu nuôi dưỡng thai nhi cũng bị cắt đứt, lúc này cần đưa thai ra ngoài ngay. 

Nguyên nhân nhau bong non chưa được biết chính xác. Bất cứ nguyên nhân nào làm vỡ mạch máu bánh nhau bám vào thành tử cung đều có thể dẫn đến nhau bong non. Khi các mạch máu bị đứt, máu chảy tạo thành huyết khối giữa bánh nhau và thành tử cung, gây bóc tách bánh nhau, tạo ra nhiều tổn thương do thiếu máu ở tử cung. Khối máu tụ lớn dần lên thì bánh nhau cũng được tách khỏi thành tử cung nhiều hơn. Khối máu tụ có thể nặng từ 500-1500 gram. Trong các trường hợp nặng, tổn thương có thể lan tỏa tới các cơ quan khác như vòi trứng, buồng trứng, thận, gan, tụy,…

Bệnh lý, chấn thương từ bên ngoài, bất thường về bánh nhau, tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong khi mang thai, nước ối vỡ nhanh đều có thể là nguyên nhân nhau bong non. Một số trường hợp gây nhau bong non như: Chấn thương bụng: thường do tai nạn xe máy, hoặc bị ngã, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, hay bị đánh trực tiếp lên bụng. Một vài thủ thuật xâm lấn trong sản phụ khoa  gây chảy máu bánh nhau, hình thành khối máu tụ sau nhau gây nhau bong sớm trước khi chuyển dạ.

Triệu chứng rau bong non:

Triệu chứng cơ năng:

- Đau: Đau vùng bụng dưới xuất hiện một cách đột ngột, bắt đầu từ tử cung đau xiên ra sau lưng và lan xuống đùi sau đó lan khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục kéo dài. Khi tử cung cứng như gỗ bệnh nhân đau lăn lộn vật vã hốt hoảng có dấu hiệu choáng ngày càng nặng, mạch nhanh huyết áp tụt, nặng có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật.

- Xuất huyết: Xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Tính chất máu chảy ra là máu đỏ sậm loãng không đông.

Triệu chứng toàn thân:

Tình trạng vật vã kích thích do thiếu máu, người mệt lả ngất xỉu; Choáng xảy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh vã mồ hôi da niêm mạc nhợt nhạt... Bệnh nhân choáng không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo.

Triệu chứng thực thể:

Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất. Tử cung co cứng một cách bất thường, trương lực cơ bản của tử cung cũng cao hơn bình thường, trong những thể nặng tử cung cứng như gỗ; Bề cao tử cung ngày càng tăng, khối máu tụ càng lớn làm tử cung càng tăng lên; Sờ nắn phần thai qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng; Nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn biến đến suy thai rất nhanh chóng; Khám âm đạo cổ tử cung siết cứng như vòng nhẫn, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ.

Thông thường sau khi rau bong chuyển dạ sẽ bắt đầu khởi phát. Chuyển dạ thường diễn ra rất nhanh. Ở thể nhẹ bấm ối thể tích giảm làm tử cung co bóp được, cổ tử cung mở nhanh thai sổ ra ngay, rau và máu cục ra theo, nhưng tử cung có thể đờ và máu chảy nhiều; Có thể chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng trong chốc lát. Nếu không xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng sau:

Choáng mất máu:

Vừa là triệu chứng vừa là chẩn đoán. Choáng xảy ra nhanh nhất là sau khi thai và rau ra. Điều cần lưu ý là lượng máu ứ lại trong lòng tử cung có thể rất nhiều so với lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.

Rau bong non hay gặp trong những trường hợp sau: ở những người đẻ con rạ, lớn tuổi (80%); Huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị tăng huyết áp, trước đó chưa bao giờ bị); Do chấn thương trực tiếp vào bụng: (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, hoặc tai nạn sinh hoạt …); Do kim đâm vào lá rau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau làm rau bong; Do thủ thuật ngoại xoay thai không đúng kỹ thuật làm kéo dây rốn gây rau bong non…

Ngoài ra, những thai phụ không được khám thai định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm độc thai nghén, những người có chế độ ăn uống kém, sống ở nơi có điều kiện thấp thì khả năng bị càng cao. Đó là lý do vì sao những người lao động nặng nhọc, quá sức, những phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn lại có nguy cơ bị rau bong non cao hơn thành thị.

Quý ông có nên nhịn ”chuyện ấy” khi vợ mang bầu?

PGS.TS. Đỗ Trọng Hiếu, Khoa Nam học và Hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nhiều ông chồng có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo K.Chi ([Tên nguồn])
Mang thai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN