Thủ phạm rất quen thuộc khiến mỗi ngày có thêm 66 người Việt nhận án tử
Đây là bệnh khó phát hiện sớm, diễn tiến rất nhanh. Mỗi ngày có thêm 66 người được phát hiện mới và hơn 55 người tử vong.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho biết ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới.
Theo tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng gần 24.000 ca mắc mới và gần 20.200 ca tử vong do căn bệnh này.
Việc phát hiện sớm ung thư phổi gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ
Nghĩa là mỗi ngày, có khoảng 66 người mới phát hiện bệnh ung thư phổi và hơn 55 người tử vong vì bệnh này. Đây được coi là bệnh khó phát hiện vì triệu chứng hay nhầm các bệnh hô hấp thông thường, khi có biểu hiện rõ thì đã muộn; nhưng lại tiến triển rất nhanh chóng.
"Một bệnh nhân có thể chụp X quang phổi chưa phát hiện gì bất thường nhưng 6 tháng sau, bất ngờ phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn" - PGS.TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay.
Thực tế tại Bệnh viện K, 2/3 bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện, đến viện điều trị ở giai đoạn muộn.
Do đó, không khó hiểu khi tỉ lệ tử vong/mới phát hiện mới rất cao (hiện là 80%).
Thống kê từ Bệnh viện K từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới hơn 90%.
PGS Quảng cho hay lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ngoài 50, một số trường hợp trẻ tuổi.
"Nhưng đau đớn là các bác sĩ từng chứng kiến ca em bé nhỏ tuổi nhất là thiếu niên 15 tuổi tử vong sau 2 năm điều trị. Bệnh nhi thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động do trong gia đình có người hút thuốc", ông Quảng chia sẻ.
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới hơn 90%
PGS Quảng khẳng định, gần như tất cả trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ không hút thuốc trực tiếp nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, trên 5.700 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá, trong đó có hơn 70 tác nhân gây ung thư, ví dụ như Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asen (thạch tín), …
Khi đi vào cơ thể, các chất gây ung thư có trong khói thuốc lá hầu hết sẽ được chuyển hóa và gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau như gắn với bộ gene gây nên các đột biến gene; gắn với màng tế bào làm rối loạn quá trình phát triển của tế bào; hoặc kích thích quá trình viêm dẫn đến tăng sinh mạch máu bất thường và phát triển ung thư.
Số liệu điều tra GATS 2015 công bố, Việt Nam có hơn 15,6 triệu người hút thuốc lá, kéo theo 28,5 triệu người hít khói thuốc thụ động tại nhà và hơn 5,9 triệu người bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc.
Nghĩa là có tới khoảng 50 triệu người bị ảnh hưởng bởi thuốc lá (chủ động hoặc bị động).
Gần một nửa nam giới Việt hút thuốc lá. Con số này ở nữ là 1,2%. Ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10-15 năm trong cơ thể.
Theo số liệu mô phỏng từ Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người Việt chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số tử vong liên quan đến thuốc lá dự kiến sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Một người hút 1 gói thuốc lá mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 20 lần người không hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động cũng được ghi nhận tăng 30% ở nhóm người sống trong nhà có người hút thuốc.
Hợp chất tự nhiên tạo nên vị cay của ớt có thể giúp ngăn chặn những cái chết do ung thư phổi di căn, theo nghiên cứu...