Thủ phạm nào gây viêm da, viêm kết mạc mùa xuân?
Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, nhưng lại là thời điểm phát sinh các bệnh dị ứng như: Viêm da, viêm mũi, viêm kết mạc...
Viêm da dị ứng do phấn hoa, côn trùng
Chị Nguyễn Thanh Mai (trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) tìm đến viện khám vì không chịu nổi ngứa khắp tay, lưng và bụng. Không dám gãi vì sợ xây xước dễ viêm nhiễm nên chị Mai chỉ dám xoa xoa, chà sát, thế nhưng từng mảng kê đỏ cứ mỗi lúc lại càng dầy lên lan dần khắp cơ thể gây ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Chị Mai cho biết, đi khám bác sĩ kết luận viêm da tiếp xúc do dị ứng côn trùng.
Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, nhưng lại là thời điểm phát sinh các bệnh về dị ứng
Theo bác sĩ chuyên khoa Da liễu Trần Thanh Nho (Phòng khám Đa khoa Medelab), hiện phòng khám tiếp nhận nhiều trường hợp mắc viêm da dị ứng mà nguyên nhân do phấn hoa, côn trùng và cả do thời tiết khô lạnh. Với những người có cơ địa dị ứng, thường rất dễ bị viêm da tiếp xúc với phấn hoa và các loại côn trùng.
Mặc dù đây không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu, mất thẩm mĩ cho bệnh nhân. Chính vì vậy, khi có biểu hiện ngứa, nổi mề đay nghi ngờ tiếp xúc với phấn hoa hay côn trùng, nên rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước muối nhẹ hoặc nước sát khuẩn betadine. Sau đó, tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và có phương án xử lý kịp thời. “Không nên tự điều trị bằng các phương pháp tắm lá truyền miệng, nhằm tránh viêm da tăng nặng”, bác sĩ Nho cho hay.
Nguy cơ bùng phát dịch quai bị Bác sĩ Đỗ Duy Cường, phụ trách Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân quai bị, thủy đậu đến khám có tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, trong đó có nhiều bệnh nhân là người lớn. Bệnh nhân quai bị và rải rác có bệnh nhân thủy đậu đã vào viện từ thời điểm trước và trong Tết. Riêng trong tháng 1/2016, khoảng 30 bệnh nhân quai bị vào viện khám. Đây là loại bệnh dễ lây qua đường hô hấp và xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, có nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng. Biến chứng của bệnh quai bị ở nam giới hoặc bé trai khi mắc là viêm tinh hoàn, dễ dẫn đến nguy cơ vô sinh sau này. Hiện, vaccine phòng bệnh quai bị khá hiếm, chính vì vậy, dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát cao. |
Bên cạnh nguyên nhân do phấn hoa, côn trùng thì theo bác sĩ Nho, nhiều người viêm da do dị ứng thời tiết, nhất là trong điều kiện thời tiết như hiện nay lạnh khô, khiến da thiếu độ ẩm cần thiết, miễn dịch kém, thường gây nứt nẻ, ngứa ngáy. Nhiều người không chịu được ngứa nên gãi mạnh khiến da bị tổn thương, tiết dịch, viêm nhiễm.
Với những trường hợp này, ngoài việc cần uống đủ nước, hạn chế tắm nước nóng và cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm cho da. Ngoài ra, bệnh nhân còn được chỉ định thêm thuốc uống tăng cường miễn dịch, thuốc kháng histamin chống ngứa. “Thậm chí, nhiều trường hợp đã phát hiện thêm căn bệnh gan nhiễm mỡ từ việc đi khám dị ứng. Những ca bệnh này đều phải sử dụng thêm thuốc thải độc gan, thận”, bác sĩ Nho cho biết thêm.
Bác sĩ cũng cho hay, hiện đang là mùa hoa xoan nở, loại phấn hoa này còn gây viêm mũi, viêm xoang dị ứng cho nhiều người. Khi phấn hoa bay lẫn trong không khí, nếu hít phải cơ thể tiết ra histamine, gây ra những triệu chứng của dị ứng như: Chảy nước mũi, ngứa mũi và miệng, nghẹt mũi, hắt xì hơi…, nhiều người còn có biểu hiện ho khan, thở hụt hơi, khò khè, nhất là ban đêm gây mất ngủ.
Trường hợp nặng, có thể dẫn tới viêm xoang mũi, viêm tai trong, mệt mỏi toàn thân, nhức đầu... Cơn dị ứng có thể chỉ diễn ra trong vài giờ nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tuần, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
Cẩn trọng với viêm kết mạc mùa xuân
Trao đổi với Báo Giao thông, bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết, do đặc thù của mùa xuân, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm kết mạc. Trong đó có viêm kết mạc dị ứng với xu hướng song hành với viêm mũi dị ứng, đặc biệt với nhóm bệnh nhân dị ứng phấn hoa. Các dị nguyên trong không khí cao lên nhiều vào mùa xuân như phấn hoa, cỏ khô, lông và phấn của côn trùng khiến người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sưng phù mi - kết mạc, ngứa mắt, đỏ mắt, ra gỉ mắt dạng keo nhày.
Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là mùa của bệnh viêm kết giác mạc mùa xuân, thường xảy đến với bé trai và có xu hướng tái phát theo chu kỳ xuân - hè. Theo ông Cương, triệu chứng cơ bản là ngứa, càng gãi, càng day dụi thì càng thích. Ở dạng có tổn thương giác mạc, trẻ sẽ có cảm giác nóng rát, sợ sáng và chảy nước mắt liên tục.
Bên cạnh đó, cũng cần cảnh giác với tai nạn mắt do côn trùng gây nên trong lao động hoặc tham gia giao thông, bởi hiện là mùa sinh sôi của sâu bọ và côn trùng có cánh. Bác sĩ Cương cho hay, nhiều trường hợp nhập viện vì lý do này, nhẹ thì côn trùng hoặc các bộ phận của chúng gây xây xước cho lòng đen (giác mạc), nặng hơn một chút là các dịch tiết của chúng gây sưng phù mi, kết mạc dữ dội, nếu không điều trị kịp thời có thể giảm thị lực.
“Tự bảo vệ mình trước những dị nguyên, uống nhiều nước, uống vitamin C thường xuyên là cách thức phòng hộ cá nhân tốt nhất. Bên cạnh đó, khi có biểu hiện bệnh, tránh day dụi nhiều vì có thể gây trầy xước giác mạc và đến bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị thích hợp”, ông Cương khuyến cáo.