Thu nhập của bác sĩ gồm những nguồn nào?
Theo TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thu nhập của bác sĩ rất vô cùng vì với đặc thù mỗi ngành có một độ “hot” khác nhau và mỗi nơi công tác có mức chênh lệch khác nhau.
Ảnh minh hoạ.
Câu chuyện thu nhập của bác sĩ là bao nhiêu vẫn thu hút nhiều tranh luận từ chính người trong cuộc. Có người cho rằng có bác sĩ thu nhập rất khủng, nhưng với các bác sĩ tuyến cơ sở thì thu nhập lại rất thấp. Họ phải “thâm canh” thêm các nghề khác như kinh doanh, trồng cấy, chăn nuôi mới có thể nuôi được gia đình.
Trao đổi với báo điện tử Infonet, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay theo luật Khám chữa bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế - ngoài khoản lương ngân sách cơ bản - còn có nhiều khoản khác phụ cấp theo chế độ.
Phụ cấp của bác sĩ, đặc biệt là phụ cấp liên quan đến công việc, giống như lao động nặng nhọc, độc hại, bao giờ cũng cao hơn. Với nhân viên y tế chuyên ngành lao, phòng chống dịch, tâm thần, pháp y… phụ cấp cao hơn các bác sĩ chuyên ngành khác.
Ngoài ra, theo ông Quang, nghị định 43 và các văn bản quy định tự chủ về mặt tài chính của các bệnh viện, lúc ấy các bệnh viện trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Trong sự nghiệp có thu bằng việc bệnh viện tự chủ về tài chính thì các bệnh viện vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa phải làm thế nào để tăng số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh cho mình để tạo ra nguồn thu lớn. Từ nguồn thu lớn, bệnh viện có tiền chi thưởng A, B, C cho nhân viên. Thu nhập từ thưởng đó nằm ngoài lương và phụ cấp.
Đối với các bệnh viện lớn, nguồn bệnh nhân ổn định, đời sống bác sĩ rất tốt. Nhưng ở bệnh viện tuyến dưới phụ thuộc vào đầu thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay, đầu thẻ Bảo hiểm y tế hiện nay Sở Y tế phân cho các bệnh viện tương đối đồng đều nên các bệnh viện đó sẽ tăng khả năng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, thu nhập cao hơn.
TS Quang cho rằng nói bác sĩ thu nhập cao hay thấp rất khó nhận định. Các bác sĩ làm ở tuyến trung ương thu nhập chắc chắn khá hơn tuyến dưới. Các bác sĩ làm ở ngành "hot", có điều kiện làm ngoài, mở phòng khám... thu nhập của họ khá hơn. Bác sĩ có chuyên môn thì thu nhập của họ cũng tốt hơn.
Còn các bác sĩ liên quan đến lao, phổi, tâm thần, các bệnh xã hội và y tế dự phòng thì sẽ khó khăn hơn. Chính vì thế, người ta mới điều tiết cân bằng thu nhập bằng cách phụ cấp cho các bác sĩ khối ngành này cao hơn. Hiện nay, với cơ chế mới, các bệnh viện tuyến dưới sẽ phải tìm cách thu hút người bệnh để giữ chân người bệnh, nhờ thế thu nhập của bác sĩ mới tốt hơn.
Theo quy định tại nghị định 43/2006 về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Điều 25: quy định về tiền lương, tiền công và thu nhập quy định rõ: 1. Đơn vị sự nghiệp phải bảo đảm chi trả tiền lương cho người lao động theo lương cấp bậc và chức vụ do nhà nước quy định. 2. Nhà nước khuyến khích đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi, thực hiện tinh giản biên chế, để tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Căn cứ kết quả tài chính, số kinh phí tiết kiệm được; đơn vị được xác định tổng mức chi trả thu nhập trong năm của đơn vị tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định. Việc chi trả thu nhập cho từng người lao động trong đơn vị thực hiện theo nguyên tắc: người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được trả nhiều hơn. Thủ trưởng đơn vị chi trả thu nhập tăng thêm theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. 3. Khi nhà nước điều chỉnh các quy định về tiền lương, nâng mức lương tối thiểu; khoản tiền lương cấp bậc, chức vụ tăng thêm theo chế độ nhà nước quy định (gọi tắt là tiền lương tăng thêm theo chế độ nhà nước quy định) được bảo đảm từ các nguồn theo quy định của Chính phủ để bảo đảm mức tiền lương tối thiểu chung do nhà nước quy định. |