Thông tin mới nhất về sức khỏe nạn nhân vụ ngộ độc ở Lai Châu
GS,TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định, tất cả các bệnh nhân đều có dấu hiệu ngộ độc methanol và có phác đồ điều trị đúng ngay tại Lai Châu.
Các bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc tại Lai Châu.
Chiều ngày 16/2, Sở Y tế Lai Châu làm việc với đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai lên hỗ trợ cấp cứu ngộ độc thực phẩm.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến chiều ngày 16-2, tổng số người nghi ngộ độc thực phẩm tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ là 49 người, trong đó có 8 người tử vong.
GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp đến thăm, khám và có kết luận về tình trạng ngộ độc tại tỉnh Lai Châu.
Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân điều trị đã có dấu hiệu phục hồi, chặn được nguy cơ tử vong.
GS,TS Mai Trọng Khoa nhận định, tất cả các bệnh nhân đều có dấu hiệu ngộ độc Methanol. Bệnh nhân có phác đồ điều trị đúng. Sự phối hợp chặt chẽ và cập nhật về thời gian đã là yếu tố quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân.
“Không có bệnh nhân nào phải chuyển về Hà Nội là thành công lớn trong việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế tuyến dưới”, GS,TS Mai Trọng Khoa cho hay.
Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, kết quả xét nghiệm chất Methanol trong máu của 10 ca ngộ độc đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu do Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cung cấp thì có 1 ca âm tính, 1 ca có mức nồng độ thấp (hơn 20mg/dL), 8 ca còn lại đều có nồng độ Methanol trong máu cao. (thông thường nồng độ Methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng), trường hợp ca bệnh có nồng độ Methanol cao nhất là trên 326 mg/dL.
Theo lãnh đạo ngành Y tế Lai Châu, hiện có 24 người đang được chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện, tình trạng sức khỏe đều có tiến triển tốt hơn và đang tiếp tục được chăm sóc, điều trị tích cực. 3 người đang được chăm sóc, theo dõi tại trạm y tế xã, một số trường hợp còn lại có biểu hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhưng mức độ nhẹ đã được khám sàng lọc tại trạm y tế xã, tình hình sức khỏe ổn định được cho về gia đình và tiếp tục theo dõi.
Ngành Y tế Lai Châu đã có biện pháp khuyến cáo, ngăn ngừa các nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong nhân dân; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng ngày; Huy động các nguồn nhân lực tại địa phương tham gia hỗ trợ người dân tổ chức tang lễ cho các nạn nhân tử vong, ổn định tình hình, không để nhân dân hoang mang tư tưởng, kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động chống phá đồng thời vận động nhân dân không tổ chức ăn, uống tập trung tại các đám tang còn lại.