Thời tiết giao mùa, nếu trẻ nhiễm virus này, bệnh có thể nặng lên chỉ sau 1 ngày
Khi nhiễm virus này, ngày hôm trước, trẻ có thể ăn uống bình thường, ngày hôm sau đã khó thở, thở oxy, suy hô hấp rất nhanh.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết giao mùa, số ca mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp tăng gấp 2 lần so với ngày bình thường, trung bình 40-50 ca/ngày.
Theo thống kê, cứ đến giai đoạn chuyển mùa số trẻ nhập viện do virus RSV (loại virus phổ biến nhất gây viêm đường hô hấp) lại tăng cao hơn.
GS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương cho biết, có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp.
Trẻ mắc bệnh đường hô hấp nhập viện. (Ảnh: Thái Bình).
Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn.
“Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất”- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày nhận 10-15 bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp, nhưng một tháng gần đây số lượng bệnh nhân tăng lên 30-40 bệnh nhân, có ngày hơn 40 bệnh nhân.
Tại Trung tâm Hô hấp hiện các giường bệnh - 147 giường đều kín bệnh nhân, trong đó khoảng 50 bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp. Các trường hợp này đều được nằm khu riêng để tránh lây nhiễm, không có tình trạng nằm ghép.
Theo BSCK2 Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), virus hợp bào hô hấp (RSV) là virus phổ biến, thường gây bệnh ở lứa tuổi nhỏ. Bệnh diễn biến nặng, khá trầm trọng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trẻ thường nhập viện với biểu hiện khó thở, suy hô hấp. Khi vào viện, trẻ sẽ được phân loại theo mức độ nặng, nếu chỉ khó thở sẽ được điều trị tại đơn nguyên chăm sóc bình thường, nếu có suy hô hấp phải can thiệp thở oxy, thở máy thì chuyển chăm sóc đặc biệt như khoa hồi sức.
“Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp, đồng nghĩa trẻ dễ có nguy cơ bị các biến chứng khác như bôi nhiễm thêm vi khuẩn, có thể viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển... Đặc biệt, nếu để thiếu oxy não kéo dài có thể dẫn đến biến chứng thần kinh, hậu quả của suy hô hấp hoặc tình trạng nhiễm khuẩn kèm theo”, BS Chương nhấn mạnh.
Theo BS đối tượng dễ chuyển biến nặng nhanh là trẻ đẻ non, trẻ sơ sinh, có bệnh nền (như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn tính, tim mạch, suy thận…).
Ngày hôm trước, trẻ có thể ăn uống bình thường, ngày hôm sau đã khó thở, thở oxy, suy hô hấp rất nhanh, không hiếm những trường hợp như thế.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu điều trị triệu chứng. Nếu không thuộc nhóm nguy cơ, không bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi, thì sau 3-5 ngày tình trạng suy hô hấp có thể phục hồi ngoạn mục.
Triệu chứng của nhiễm RSV cũng như các virus đường hô hấp khác khi khởi phát thường rất nhẹ như viêm long đường hô hấp, sốt nhẹ, ho, khò nhè.
Theo các bác sĩ, khi thấy con có biểu hiện nặng lên như ăn kém đi (bình thường ăn 100% một lượng nhất định, nay chỉ ăn 50%), đi vệ sinh ít hơn, đi tiểu ít hơn, trẻ ho, mệt nhiều hơn, khó thở hơn đặc biệt cha mẹ thấy con có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực thì chứng tỏ bệnh diễn biến nặng, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, không tiếp xúc những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều nghiên cứu đã kết luận môi trường thông thoáng và nắng nóng từ ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm mạnh khả năng...