Thời gian ủ bệnh của virus corona là bao nhiêu ngày?
Bộ Y tế đánh giá trong thời gian Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Trước diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nhanh về số mắc và tử vong của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) tại Trung Quốc, ngày 22/1, Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của WHO, tính đến ngày 21/01/2020, tại Trung Quốc đã ghi nhận 291 trường hợp mắc (trong đó đã ghi nhận 15 trường hợp là nhân viên y tế mắc bệnh), 5 trường hợp tử vong (các trường hợp này đều có bệnh nền mạn tính).
Ngày 22/1/2020, WHO sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng về dịch virus Corona.
Ngoài tỉnh Hồ Bắc, một số tỉnh/ thành phố tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh (Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thẩm Quyến). Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận một số trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (02 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp).
WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasters TP.HCM, cảnh báo: “Thời gian ủ bệnh của virus Corona là 14 ngày tức là từ lúc lây tới lúc phát bệnh là 14 ngày mới có biểu hiện lâm sàng. Điều này nó làm cho các biện pháp kiểm soát hiện nay rất khó phát hiện. Hơn nữa việc giao thương giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc thì dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện nước ta vẫn duy trì giám sát thường xuyên các ca viêm phổi nặng tại tất cả các cơ sở y tế, tại cộng đồng. Các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương tích cực rà soát, gửi mẫu bệnh phẩm đến các Viện vệ sinh dịch tễ.
“Việt Nam có đủ năng lực để xét nghiệm phát hiện sớm chủng virus mới này. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn thiếu mồi đặc hiệu, trình tự gene, trứng dương để phân lập chính xác virus này”, ông Dương nói.
Trong ngày 22/1/2020, WHO sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để quyết định xem vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc liệu đã đủ các điều kiện là Sự kiện Y tế công cộng được quốc tế quan tâm (PHEIC).
Bộ Y tế đánh giá trong thời gian Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, bệnh viện và tại cộng đồng để phát hiện sớm và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện 5 lời khuyên sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Các biện pháp giảm nguy cơ mắc virus Corona được WHO khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ chức Y tế thế giới đang chuẩn bị những phương án đối phó cần thiết, để dự phòng trong trường hợp căn bệnh...