Thời gian đứng vững 1 chân tiết lộ sức khỏe của bạn
Những người không thể đứng 1 chân trong 10 giây có nguy cơ tử vong cao hơn.
Đứng trên 1 chân có vẻ là nhiệm vụ khá đơn giản nhưng trụ vững suốt thời gian dài không phải điều dễ dàng. Thử thách này ngày càng khó khăn hơn theo tuổi tác.
“Đứng trên 1 chân là chỉ số thể hiện khả năng giữ thăng bằng của chúng ta. Chỉ số này kém cảnh báo tình trạng bất ổn sức khỏe tiềm ẩn", Nancy R. Kirsch, Phó chủ tịch Khoa học Phục hồi chức năng và Vận động tại Đại học Rutgers (Mỹ), chia sẻ với Yahoo Life.
Bạn có thể luyện tập để giữ thăng bằng tốt hơn, từ đó nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa: Healthshot
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên PLOS One, nhóm tác giả đã tuyển dụng những người trên 50 tuổi và yêu cầu họ thực hiện một số bài tập để đánh giá sức khỏe.
Đối với bài tập giữ thăng bằng, những người tham gia được yêu cầu: đứng trên 1 chân và mở mắt; đứng trên 2 chân và nhắm mắt; đứng 1 chân và mở mắt. Mỗi bài tập kéo dài 30 giây.
Kết quả ghi nhận khả năng đứng 1 chân suy giảm đáng kể theo tuổi tác. Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng giữ thăng bằng trên 1 chân có thể là thước đo đáng tin cậy và không phụ thuộc vào giới tính về quá trình lão hóa thần kinh cơ ở cả nam giới lẫn nữ giới.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên liên kết khả năng giữ thăng bằng trên 1 chân với quá trình lão hóa khỏe mạnh. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Thể thao Anh cho thấy những người không thể đứng 1 chân trong ít nhất 10 giây có khả năng tử vong cao gấp đôi trong thập kỷ tới.
Nhà nghiên cứu thần kinh Kenton R. Kaufman giải thích: "Khả năng giữ thăng bằng phản ánh cơ thể đang hoạt động như thế nào. Khả năng đó giúp bạn thực hiện hoạt động hằng ngày mà không sợ ngã, nhờ vậy có chất lượng cuộc sống tốt hơn, lão hóa khỏe mạnh”.
Bạn không thể ngồi, đứng, đi bộ nếu không có khả năng giữ thăng bằng. Tiến sĩ John Vasudevan, chuyên gia y học vật lý lâm sàng và phục hồi chức năng tại Penn Medicine, nói: "Thật không may, chúng ta mất đi một phần khả năng này theo thời gian”. Vị tiến sĩ giải thích tình trạng trên do khối lượng cơ mất dần một cách tự nhiên cũng như suy giảm sức mạnh hệ thần kinh.
Các dấu hiệu khác có thể chỉ ra quá trình lão hóa khỏe mạnh:
- Sức mạnh cầm nắm: “Khi chúng ta già, sức mạnh cầm nắm giảm theo do chứng teo cơ, tức là tình trạng mất cơ liên quan đến tuổi tác”, chuyên gia Nancy R. Kirsch cho hay. Sức mạnh cầm nắm yếu còn là dấu hiệu của rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương.
- Tốc độ đi bộ: Đây là dấu hiệu lão hóa khá chính xác. Ngay cả khi tốc độ đi bộ chỉ giảm 0,1m mỗi giây cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm của cơ thể.
- Thời gian để đứng dậy khỏi ghế: “Điều này đòi hỏi sức mạnh và sự phối hợp tổng thể”, nhà nghiên cứu Kaufman nói. Khả năng giữ thăng bằng là điều cần thiết để đứng dậy khỏi ghế.
Bàn chân chính là trái tim thứ hai của con người, chính vì vậy thông qua nó bạn có thể biết được tình hình sức khỏe của mình.
Nguồn: [Link nguồn]