Thổi bồ hóng, bôi thuốc bột trị viêm tai giữa... gây biến chứng nặng
Không ít bậc phụ huynh khi thấy con bị viêm tai giữa đã tự ý điều trị bằng cách thổi bồ hóng, cho thuốc bột vào tai gây bít tắc lỗ tai, khiến màng nhĩ bị che lấp, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị sau này.
Viêm tai giữa là bệnh phổ biến gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ viêm tai giữa có thể chưa cần thiết phải sử dụng kháng sinh ngay từ đầu. Thay vào đó, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra…
1. Vì sao trẻ dễ bị viêm tai giữa?
Theo TS.BS. Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, trẻ nhỏ thường dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn do vòi nhĩ ngắn, lại nằm ngang, nên vi khuẩn và các chất xuất tiết ở mũi họng dễ lan lên tai giữa.
Trẻ bị viêm tai giữa thường có một số dấu hiệu đặc trưng bao gồm:
- Quấy khóc, nghiêng đầu về một bên, đưa tay lên dụi tai, đặc biệt là trên nền trẻ đang mắc viêm mũi họng;
- Sốt cao 38 đến 39 độ C
- Chán ăn, khó chịu, ngủ kémChảy dịch trong taiNghe kém, ù tai, phản ứng chậm với âm thanh
- Khi thấy trẻ có những triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trẻ em dễ mắc viêm tai giữa hơn người lớn.
2. Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em như thế nào?
Đa số các trường hợp trẻ bị viêm tai giữa được chỉ định dùng thuốc tại nhà với mục tiêu kiểm soát cơn đau, điều trị nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa cấp, phòng tránh biến chứng…
Các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị viêm tai giữa bao gồm:
2.1. Thuốc hạ sốt
Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol hay ibuprofen để giảm đau tai và hạ sốt trong trường hợp trẻ viêm tai giữa sốt cao hơn 38,5 độ C. Cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng:Paracetamol dùng liều 10-15mg/kg cân nặng, cách 4-6 giờ uống lại liều nếu vẫn sốt cao hoặc đau tai nhiều.Ibuprofen liều 10mg/kg cân nặng, khoảng cách giữa các liều là ít nhất 6 giờ.
2.2. Thuốc kháng sinh
Trẻ viêm tai giữa có thể chưa cần thiết phải sử dụng kháng sinh ngay từ đầu. TS.BS. Nguyễn Hoàng Huy cho biết, hiện nay Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh trong điều viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Phác đồ được căn cứ xây dựng vào phác đồ điều trị của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
- Đối với trường hợp trẻ trên 2 tuổi, mắc viêm tai giữa cấp một bên, mức độ nhẹ, không có suy giảm miễn dịch, có thể lựa chọn chưa sử dụng kháng sinh và theo dõi, đánh giá trong vòng 48 đến 72 giờ. Nếu tình trạng không cải thiện, lúc này bác sĩ mới chỉ định cho trẻ dùng kháng sinh.
- Những trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh ngay từ đầu bao gồm: Trẻ dưới 6 tháng tuổi; trẻ 6-24 tháng tuổi viêm tai giữa cả hai bên hoặc ở mức độ nặng (đau nhiều hoặc trên 48h hoặc sốt trên 39 độ C) hoặc có suy giảm miễn dịch. Trẻ ở xa, không có điều kiện tái khám cũng có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh ngay từ đầu.
- Đối với những trường hợp điều trị kháng sinh không đỡ, có thể sẽ phải chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ. Tùy từng tình trạng, bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa.
3. Một số lưu ý trong quá trình điều trị viêm tai giữa
TS.BS. Nguyễn Hoàng Huy cho biết, viêm tai giữa là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Thậm chí, đa số trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em có thể tự thuyên giảm mà không cần sử dụng đến kháng sinh.
Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh khi thấy con bị viêm tai giữa đã tự ý điều trị bằng cách thổi bồ hóng, cho thuốc bột vào tai gây bít tắc lỗ tai, khiến màng nhĩ bị che lấp, dẫn đến khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị sau này. Không những thế, cũng có những trường hợp trẻ bị ứ mủ bên trong hòm nhĩ, nhập viện khi đã xảy ra biến chứng nặng do người thân tự ý điều trị không đúng cách.
Chính vì vậy, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà cho trẻ nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Các thuốc điều trị viêm tai giữa cần được sử dụng theo đúng phác đồ để đạt được hiệu quả cũng như hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.
Nếu trẻ bị chảy dịch mủ tai, không dùng bông nút kín tai. Thay vào đó, nên để dịch thoát ra ngoài tự nhiên, không nên để nước vào tai.
Phụ huynh cần đưa trẻ tái khám bác sĩ nếu thấy trẻ đau tai tăng lên, quấy khóc, sốt cao dù đã uống thuốc hạ sốt hoặc các dấu hiệu bệnh không thuyên giảm sau 2 ngày.
Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ viêm tai giữa tái phát, cần vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ; tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; đồng thời nếu trẻ mắc các bệnh viêm mũi họng, VA, Amidan…, cần điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng viêm tai giữa.
Mùa hè nắng nóng khiến nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con đi bơi, đi biển du lịch. Tuy nhiên, việc đi bơi không có các phương tiện bảo hộ - bảo vệ, cũng như việc vệ sinh không...
Nguồn: [Link nguồn]