Thoát cảnh câm, điếc nhờ ốc tai điện tử

Sự kiện: Tin ngắn

Khoảng 1-2 năm sau cấy ốc tai điện tử, người câm điếc có thể giao tiếp lưu loát và hòa nhập trở lại cộng đồng.

Sáng 16-12, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật - kỷ niệm 30 năm ngày thành lập bệnh viện. Tại hội nghị, bài báo cáo của nhóm tác giả Trần Phan Chung Thủy, Võ Quang Phúc, Lê Trần Quang Minh, Nguyễn Thanh Vinh, Đỗ Hồng Giang đã đánh giá kết quả hồi phục khả năng giao tiếp của 300 bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử trong các năm 2000-2015. Kết quả cho thấy, về sức nghe, tất cả các bệnh nhân sau phẫu thuật đạt được ngưỡng nghe trong vùng ngôn ngữ sau khoảng 3 tháng đến 1 năm. Về ngôn ngữ, nhóm người lớn và trẻ em điếc sau ngôn ngữ đã giao tiếp tốt sau 1-2 năm, nhóm điếc trước ngôn ngữ (trẻ điếc bẩm sinh) sau phẫu thuật kết hợp điều trị ngôn ngữ, có thể giao tiếp tốt sau 2-3 năm và có thể hòa nhập tốt, đi học tại các trường bình thường.

Thoát cảnh câm, điếc nhờ ốc tai điện tử - 1

Ốc tai điện tử - ảnh INTERNET

Các bệnh nhân được đánh giá bao gồm 277 bệnh nhân điếc bẩm sinh, 23 trường hợp nghe kém mắc phải và 11 trường hợp chậm phát triển tâm thần. Nguyên nhân của tình trạng điếc là do nhiễm virus từ trong bụng mẹ, điếc độc ngột, do gen, viêm màng não, tia X và nhiều trường hợp không xác định.

Theo BS Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, các bệnh nhân được đánh giá dựa trên thang điểm CAP (Categories of Auditory Performance Score): 0 điểm – không nhận thức được âm thanh trong môi trường xung quanh; 1 điểm - nhận thức được âm thanh; 2 điểm – đáp ứng với lời nói; 3 điểm – nhận thức âm thanh; 4 điểm – phân biệt ít nhất 2 từ; 5 điểm – hiểu được các cụm từ không nhìn môi; 6 điểm – hiểu cuộc nói chuyện không nhìn môi với một người trong gia đình; 7 điểm – có thể sử dụng điện thoại nói chuyện với người trong gia đình.

Kết quả đánh giá cho thấy hầu hêt các bệnh nhân đạt 4-5 điểm CAP sau 1 năm, 5-6 điểm sau 2 năm và 6-7 điểm sau 3 năm, trong đó 84% là đạt được điểm 7. Riêng các bệnh nhân chậm phát triển tâm thần thường có điểm số thấp hơn, tuy nhiên có 4/11 bệnh nhân thuộc nhóm này cũng đạt được mức 6 điểm sau 3 năm. Hầu hết trẻ em điếc bẩm sinh có thang điểm cao, hòa nhập tốt sau khi áp dụng âm ngữ trị liệu. Vì vậy, việc cấy ốc tai điện tử có ý nghĩa rất lớn cuộc sống của các trẻ này: hầu hết trẻ điếc bẩm sinh bị câm là do không nghe được. Việc nghe, nói được trước tuổi tiểu học sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng và theo học các trường bình thường như mọi trẻ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN