Thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế: Do đâu?
"Chúng ta đang gặp vướng mắc về cơ chế pháp lý. Có rất nhiều quy định, nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ mắc vào "bãi mìn" cơ chế pháp lý", TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, TS Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra 3 vấn đề khiến các bệnh viện vẫn chưa thể tự chủ toàn diện được.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: VGP).
Thứ nhất là thể chế chưa đáp ứng nhu cầu tự chủ toàn diện.
Thứ hai là tổ chức thực hiện có vấn đề.
Cuối cùng là cơ chế giá.
"Làm sao các bệnh viện tự chủ để đầu tư khi giá của chúng ta vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Nếu chúng ta không tính toán và giao tự chủ toàn diện khi các bệnh viện vẫn chưa sẵn sàng là lợi bất cập hại", TS Lợi phân tích.
Cũng theo TS Lợi, qua kinh nghiệm giám sát ngành y tế, ông nhận định hiện vẫn chưa có một cơ sở y tế công nào có thể đủ điều kiện để tự chủ toàn diện. Nếu chúng ta không cẩn thận cứ giao tự chủ mà không có đầu tư, không có phúc lợi xã hội sẽ rất nguy hiểm.
"Chúng ta tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không được tự làm. Đó là điều rất nguy hiểm", TS Lợi chỉ rõ.
“Tôi đã từng đi giám sát tại Bệnh viện Thạch Thất của Hà Nội, tôi nói với Chủ tịch Hà Nội là không hiểu sao Hà Nội lại giao cho Bệnh viện này tự chủ, không có bệnh nhân đến. Có những bệnh viện không hề có bệnh nhân đến thường xuyên nhưng vẫn phải tồn tại”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
“Tôi phải nói rằng, hai hạng bệnh viện: Bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.
Ở tuyến trên, có 3 điểm chúng ta phải lưu ý: Một là chúng ta phải đầu tư để hiện đại hóa công nghệ. Đây là tuyến cuối cùng chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh nặng nên đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhất, được đầu tư công nghệ hiện đại.
Vấn đề thứ hai là bệnh viện tuyến cuối cùng có nhiệm vụ hết sức quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở.
Vấn đề thứ ba là phải bảo đảm an sinh xã hội, lên đến tuyến cuối cùng này mà bệnh nhân không có điều kiện thì chẳng nhẽ bệnh viện lại không điều trị?”, TS. Bùi Sĩ Lợi nói.
Còn theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn.
TS nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. (Ảnh: VGP).
Thứ hai là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải.
Thứ ba, tự chủ nhưng vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tức là thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội.
“Vấn đề mua sắm, vừa rồi bao nhiêu quan chức ngành y tế đã vướng vào vòng lao lý liên quan đến vi phạm đấu thầu, tham ô, tham nhũng…
Hiện nay vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, trong đó có vật tư y tế, vật tư tiêu hao… vẫn còn tồn tại, chưa khắc phục được và đang từng bước khắc phục.
Chúng ta đang gặp vướng mắc về cơ chế pháp lý. Có rất nhiều quy định, nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ mắc vào "bãi mìn" cơ chế pháp lý", TS Quang nhấn mạnh.
Chuyên gia này dẫn chứng nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý ở các bệnh viện tự chủ toàn diện liên quan đến tiền lương, tổ chức cán bộ, mua sắm trang thiết...
"Ví dụ, dù các bệnh viện tự chủ toàn diện, tiền lương vẫn phải theo bảng lương đã quy định. Ngoài lương cơ bản, các bác sĩ có lương tăng thêm nhưng cũng chỉ được ở mức 5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, ở các cơ sở tư nhân thu nhập của các bác sĩ có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng là chuyện bình thường", TS Quang phân tích.
“Bây giờ chúng tôi chỉ còn 5 máy xạ trị hoạt động. Cái thì hết thời hạn khấu hao, cái thì sử dụng hết niên hạn”, Giám đốc BV K chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]