Thiếu nữ 16 tuổi suy sụp, mắc bệnh hiểm sau khi thực hiện giảm cân sai cách
Đi kèm với việc giảm cân, cơ thể cô gái bắt đầu xuất hiện cảm giác sợ ăn, rụng tóc, mất ngủ, thức dậy sớm và không thể đi lại được do quá mệt mỏi...
Bị ảnh hưởng bởi thẩm mỹ bất thường trên mạng, thiếu nữ Từ, mới 16 tuổi (ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã tìm mọi cách để giảm cân mặc dù cân nặng chỉ 49kg, cao 1m63.
Cô Từ chia sẻ, trước đây cô không hề cảm thấy béo, thế nhưng sau khi bị người khác chê rằng béo lên, cô quyết định giảm cân. "Tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm thẩm mỹ bất thường trên Internet", cô Từ thừa nhận.
Ảnh minh họa
Từ cho biết, ban đầu cô không kiểm soát chế độ ăn uống quá nhiều và có thể giảm khoảng 2 kg trong một tuần. Đến khi giảm xuống còn 44kg, kinh nguyệt của cô cũng không thấy nữa. Song, vẫn chưa thấy đủ, Từ ngừng ăn thịt và cân nặng giảm xuống chỉ còn 40kg.
Đi kèm với việc giảm cân, cơ thể cô gái suy nhược cùng cực. Cơ thể cô bắt đầu xuất hiện cảm giác sợ ăn, rụng tóc, mất ngủ, thức dậy sớm và không thể đi lại được do quá mệt mỏi.
Đến bệnh viện khám, cô được bác sĩ cho biết đã mắc chứng biếng ăn. Hiện tại, Từ chỉ nặng khoảng 35 kg, buộc phải nghỉ học để hồi phục sức khỏe tại nhà.
Thông qua câu chuyện của mình, cô mong mọi người không bị ám ảnh bởi những tiêu chuẩn hình thể bất thường trên mạng xã hội, hãy tự tin hơn và giữ lấy sức khỏe của mình.
Biếng ăn tâm lý là bệnh gì?
Chán ăn thần kinh hay còn gọi là chán ăn tâm thần hoặc biếng ăn tâm lý. Đây là một chứng rối loạn ăn uống khiến người bệnh xuống cân quá mức so với độ tuổi và chiều cao của họ. Người mắc bệnh chán ăn thần kinh thường có nhận thức sai lệch về trọng lượng cơ thể của mình và cực kỳ sợ tăng cân, cho dù họ đang rất gầy. Do vậy, người bệnh luôn muốn giảm cân bằng các chế độ ăn kiêng, tập thể dục quá mức cũng như các cách khác.
Trên thực tế, khoảng 95% người mắc chứng chán ăn là nữ và thường có xu hướng tính cách tương tự ở tuổi thiếu niên.
Nguyên nhân của bệnh thường liên quan đến các yếu tố xã hội như việc theo đuổi quá mức một thân hình thon gọn và cũng liên quan đến môi trường gia đình như cha mẹ kỷ luật nghiêm khắc với con cái, theo đuổi sự hoàn hảo quá mức, phụ thuộc quá mức vào cha mẹ, sự lạm dụng từ khi còn nhỏ, gia đình cha mẹ đơn thân, v.v.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu cảnh báo người bị bệnh biếng ăn tâm lý
Bệnh nhân chán ăn thần kinh thường rất gầy. Họ thường có nhận thức sai lệch về hình ảnh cơ thể của mình, và cực kỳ sợ tăng cân, cho dù họ đang rất gầy. Do vậy, bệnh nhân thường sử dụng những cách rất khắc nghiệt để giúp mình có thể giảm cân như: Tự khiến mình nôn thức ăn ra ngoài; Uống thuốc trợ tiêu, trợ tiểu; Sử dụng các loại thuốc làm mất sự thèm ăn; Thường bỏ bữa hoặc ăn rất ít; Cân đong thức ăn và tính lượng calo.
Bệnh chán ăn thần kinh khiến người bệnh không còn cư xử như bình thường. Họ luôn đề cập đến về cân nặng và thức ăn, liên tục đo cân nặng của mình, không ăn trước mặt người khác, không muốn đi chơi với bạn bè. Ngoài ra, bệnh nhân chán ăn thần kinh còn có những triệu chứng khác như: Trầm cảm, luôn có cảm giác lo sợ, suy nghĩ chậm, trí nhớ kém, cực kỳ nhạy cảm với thời tiết lạ...
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh biếng ăn do tâm lý, khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn trải qua bất kì triệu chứng nào như trên hoặc nghĩ mình có thể mắc bệnh chán ăn thần kinh, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Bệnh chán ăn thần kinh hoàn toàn có thể lấy đi mạng sống của người bệnh. Thật không may, bệnh nhân mắc bệnh này thường không muốn được chữa trị. Họ coi trọng việc duy trì hình ảnh cơ thể gầy gò của mình hơn những nguy hiểm sức khỏe khác. Do đó, nếu bạn có người thân mắc phải căn bệnh này, hãy cố gắng an ủi và khuyên họ đến gặp bác sĩ.
Nguồn: [Link nguồn]
Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt cụt tứ chi để cứu người phụ nữ 40 tuổi do bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus khi ăn cá rô phi nấu chưa chín.