Thích ăn tiết canh, 1 nam giới lôi được giun dài từ đùi

Thấy tê buồn ở đùi, 1 nam giới (45 tuổi ở Yên Bái) đã lôi từ đùi ra một con giun dài. Được biết, anh này có sở thích ăn tiết canh, các món thịt sống như gỏi, tái…

Nhiễm giun nghi do ăn tiết canh, đồ sống

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Yên Bái cho biết, Trung tâm vừa khám và ghi nhận 1 trường hợp nhiễm bệnh giun rồng nghi nhiễm từ thói quen thích ăn tiết canh, đồ sống.

Bệnh nhân nam, 45 tuổi trú tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên ở nhà làm ruộng. Qua khai thác tiền sử bệnh cho thấy, trước khi đến khám 10 ngày, người bệnh thấy tê buồn tại vùng 1/3 dưới mặt trong đùi trái. Đến sáng 1-11, tại vị trí này, người bệnh thấy nổi mụn nhỏ như mụn trứng cá, đầu trắng.

Người bệnh cậy, nặn ra một đầu trắng và kéo ra được 1 đoạn dài khoảng 10 cm thì đứt, thấy vậy bệnh nhân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái khám. Sau khi thăm khám, các bác sĩ thấy tại vết thương có 1 phần giun đang thò ra ngoài khoảng 1cm nên đã tiến hành kéo lấy giun ra ngoài.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nghi nhiễm giun rồng.

Bệnh nhân cho biết, "sở thích" của anh thích ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái… nhiều năm nay không tẩy giun, sán.

Hình ảnh con giun dài được kéo ra khỏi người bệnh nhân. Ảnh CDC Yên Bái

Hình ảnh con giun dài được kéo ra khỏi người bệnh nhân. Ảnh CDC Yên Bái

Theo bác sĩ Trần Tuyết (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Yên Bái), bệnh giun rồng có tên khoa học là Dracunculus medinensis gây bệnh ở người và động vật.

Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và xâm nhập vào cơ thể qua nước uống hoặc thức ăn như ăn tái, sống từ các động vật thủy sinh (cá, ếch, nhái, tôm…) có chứa ấu trùng giun rồng. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh và tỉ lệ mắc có thể lên tới 60%.

Có khá ít trường hợp nhiễm giun rồng được phát hiện. Năm 2020, theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, Việt Nam phát hiện 4 trường hợp trong đó 1 trường hợp tại tỉnh Phú Thọ, 1 trường hợp tại Thanh Hóa.

Riêng tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, 1 trường hợp tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên.

Năm 2021, huyện Văn Yên ghi nhận 1 trường hợp và 1 trường hợp đang được điều tra xác minh, nâng tổng số ca bệnh tại Yên Bái lên thành 3 ca/ tổng số 5 ca trên cả nước.

Nhiều bệnh nguy hiểm có thể lây sang người từ tiết canh

Theo bác sĩ Tuyết, để tránh nguy cơ nhiễm giun sán, người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi; sử dụng các dụng cụ trong chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa…) đặc biệt vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống.

Thích ăn tiết canh, 1 nam giới lôi được giun dài từ đùi - 2

Người dân cần nấu chín kỹ khi sử dụng các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…), chôn hoặc đốt, hoặc rắc vôi bột phần ruột, đầu… sau khi chế biến hạn chế phát tán nguồn lây.

Đồng thời không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm…). Nếu chó mèo nhiễm giun, người dân ôm ấp chó mèo cũng dễ nhiễm giun từ chó mèo.

Về sở thích ăn tiết canh của không ít người dân, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã từng có cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm nhiều bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm trong đó có các loại giun, sán...

Nếu người dân ăn phải tiết sống những con heo bị bệnh rất nguy hiểm. Đặc biệt, tiết canh có thể gây bệnh nguy hiểm là liên cầu heo và và bệnh giun xoắn, có tỉ lệ tử vong cao.

Cụ thể, liên cầu khuẩn heo là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và heo, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có heo và người là chủ yếu. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỉ lệ tử vong khoảng 7%.

Ngoài ra, người bệnh còn có các di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở miền Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu heo thường bị viêm màng não.

Còn bệnh giun xoắn (Trichinella spiralis) là loài một giun đặc biệt nguy hiểm vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu có thể làm ta nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét…

Giun xoắn sống chủ yếu trong ruột non một số súc vật, đặc biệt là loài heo. Những ấu trùng giun xoắn khi mới sinh chỉ 90 -100 micromet. Những con ấu trùng này theo máu đi khắp cơ thể rồi dừng lại ở các cơ và thành kén trong các cơ.

Người mắc bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn phải thịt heo bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chín, nhất là món lòng heo luộc chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non và máu những con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng. Đây là một bệnh nặng, khó chữa, dễ gây tử vong, chúng ta phải cảnh giác.

"Người dân không nên ăn tiết canh và lòng heo, miếng thịt heo làm và chế biến không bảo đảm, không thật chín. Đặc biệt tiết canh là một món ăn sống chứa quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta cần dứt khoát từ bỏ, không nên luyến tiếc", Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.

Nguồn: [Link nguồn]

11 điều nên biết về tiết canh, lòng lợn, nội tạng động vật

Xưa nay vẫn tồn tại quan niệm: "ăn gì bổ nấy", người bị bệnh gì thì nên ăn loại nội tạng đó để tốt cho bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Anh ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN