Thích ăn thịt bò tái, cô gái Hà Nội phát hiện “vật thể lạ" dài 6m trong cơ thể
Nữ bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi ở Hà Nội) cho biết, cô hốt hoảng khi phát hiện ở đồ lót của mình có vật thể lạ giống những đoạn dây trắng có hình sơ mít và vẫn chuyển động, ngọ nguậy.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ tên N.T.H. (25 tuổi ở Hà Nội).
Cô gái hốt hoảng khi phát hiện ở đồ lót của mình có vật thể lạ giống những đoạn dây trắng có hình sơ mít và vẫn chuyển động, ngọ nguậy. Những vật thể lạ này bò ra từ hậu môn khiến cô sợ hãi.
Lo lắng nên H. theo dõi phân mỗi lần đi đại tiện thì thỉnh thoảng thấy những vật thể lạ này vẫn đang ngọ nguậy trong phân. Thấy bệnh xuất hiện ở phần tế nhị, H. lên mạng tìm hiểu và nghi ngờ có thể những đoạn trắng nhỏ đó là đốt sán thoát ra từ hậu môn. H tìm tới khám tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương. Qua xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán và cả trứng sán dây.
(Ảnh minh họa).
Bác sĩ chẩn đoán H. nhiễm sán dây bò và chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành và thu lại con sán dây dài 6m sau khi cho cô uống thuốc xổ. H cho biết, cô có thói quen ăn phở bò tái và lẩu bò tái.
Sán dây bò có thể tồn tại 25 năm trong cơ thể người
Theo PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thỉnh thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.
“Những biểu hiện mà nữ bệnh nhân H. kể trên gặp phải là biểu hiện điển hình của nhiễm sán dây bò. Thông thường đốt sán dây bò khi ra ngoài môi trường thì vẫn có thể còn chuyển động nhưng đốt sán dây lợn thường chỉ dính theo phân ra ngoài và không chuyển động như sán dây bò” – PGS.TS.BS Đỗ Trung Dũng cho hay.
PGS.TS. Đỗ Trung Dũng cho biết, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - trực thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan tới ký sinh trùng. Bệnh viện hoạt động cả thứ 7 để thăm khám cho người dân.
PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Theo PGS.TS. Đỗ Trung Dũng, nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là do không bỏ được thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống, chưa được nấu chín. Những người nhiễm sán dây bò là do thói quen ăn thịt bò có nhiễm nang sán chưa được nấu chín. Ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sán vào cơ thể. Các món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt.
“Người ăn thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống thì nang ấu trùng vào ruột người, dưới tác dụng của dịch vị, dịch ruột, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang sán và phát triển thành con trưởng thành, nhờ có 4 giác miệng trên đầu, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng.
Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng từ ruột và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Thường thì chỉ có một con sán trong một người, từ khi xâm nhập cần khoảng 3 tháng để phát triển thành con trưởng thành”, PGS. Dũng phân tích.
Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.
PGS.TS.BS. Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, bệnh sán dây bò là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động do thói quen ăn uống và để lại cảm giác ghê sợ, nặng nề, phiền toái khi mắc bệnh. Để phòng bệnh người dân không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Sốt xuất huyết đã bước vào mùa cao điểm khi số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh đang có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, phần lớn các trường hợp bệnh diễn tiến nặng do người...
Nguồn: [Link nguồn]