Thêm tin vui: Omicron không "né" được thứ này ở F0 khỏi bệnh, đã tiêm ngừa
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại Omicron dễ dàng "thoát miễn dịch", gây tái nhiễm ở F0 khỏi bệnh hoặc khiến vắc-xin kém hiệu quả, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng về bức tường thành vững chắc mà hầu hết chúng ta đang sở hữu.
Nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) và Đại học Melbourne (Úc), vừa công bố trên tạp chí Virus, khẳng định rằng các tế bào T của hệ miễn dịch, một trong những "tường thành" quan trọng của cơ thể chống lại Covid-19, có hiệu quả trong việc tăng cường phản ứng miễn dịch chống Omicron cho dù biến chủng này có nhiều đột biến; nếu bệnh nhân là F0 khỏi bệnh hoặc người đã được tiêm chủng.
Kết quả phân tích hơn 1.500 đoạn protein của virus SARS-CoV-2, cho thấy biến chủng Omicron không có khả năng trốn tránh các tế bào T đã được "huấn luyện" sau thời kỳ F0 hoặc sau tiêm chủng. Không trốn được hệ miễn dịch có nghĩa là virus vẫn sẽ được loại bỏ hiệu quả để giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc giảm nguy cơ bệnh nặng.
Virus SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo Medical Xpress, đây là một tin vui bởi trước đó có nhiều ý kiến bày tỏ mối lo ngại các đột biến của Omicron sẽ giúp nó dễ dàng thoát khỏi miễn dịch tự nhiên ở F0 khỏi bệnh, gây tái nhiễm; hoặc làm giảm mạnh hiệu quả của vắc-xin.
Phó giáo sư Ahmed Adbul Quadeer từ HKUST cho biết quá trình phân tích cho thấy lượng đột biến có khả năng nhắm vào tế bào T của Omicron rất ít, và hơn 1 nửa trong số chúng được xác định là "kẻ thua cuộc", vẫn bị tế bào T "nhìn" thấy.
"Những kết quả này cho thấy khả năng Omicron thoát khỏi tế bào T trên diện rộng là rất khó xảy ra. Dựa trên dữ liệu của chúng tôi, chúng tôi dự đoán rằng các phản ứng mạnh mẽ của tế bào T được tạo ra bởi vắc-xin và bệnh Covid-19 trước đó sẽ tiếp tục bảo vệ chúng ta chống lại Omicron như đã làm với các biến thể khác" - giáo sư Matthew McKay từ Đại học Melbourne, đồng tác giả, khẳng định.
Trước đó, một nghiên cứu từ Đại học Y tế và Khoa học Oregon (OSHU - Mỹ), công bố trên tạp chí y học JAMA đã chứng minh được phản ứng miễn dịch chéo, chống lại mọi biến chủng khác của những người nhiễm xuyên miễn dịch bệnh Covid-19 (còn gọi là "nhiễm đột phá"), tức thành F0 sau khi đã tiêm chủng.
Điều này có nghĩa nếu bạn mắc Covid-19 xuyên miễn dịch bất kỳ biến chủng nào, bạn vẫn đề kháng tốt biến chủng đó lẫn các biến chủng khác chứ không hề "trần trụi" và dễ dàng tái nhiễm biến chủng mới như nhiều người lo ngại.
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc biến thể Omicron của coronavirus gây ra các biểu hiện bệnh giống với cảm lạnh...
Nguồn: [Link nguồn]