Thầy thuốc như người gieo hạt

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đưa các dịch vụ y tế về gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa… luôn là những trăn trở của những người khoác blouse trắng.

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), tối 26-2, UBND TP HCM, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Y tế công cộng TP đã phối hợp tổ chức chương trình đêm hội “Blouse trắng nghĩa tình” nhằm tôn vinh những đóng góp của các y - bác sĩ, nhân viên y tế đã và đang tận tụy làm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hãy như giếng nước giữa đàng

Nói về nghề y, GS-BS - Anh hùng Lao động Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung Bướu - cho biết điều ông tâm đắc nhất trong cuộc đời của mình là một ngày cách đây đã nhiều năm, ngồi trong phòng mổ với người thầy mà ông tôn kính - GS Phạm Biểu Tâm, thầy nói rằng trong quyển từ điển Larousse có hình ảnh một cô gái đi gieo hạt, đó nên là hình ảnh của ngành y. “Cái chính là mình hãy là một hạt các thầy gieo, rồi mình tiếp tục gieo nữa, đó là điều hạnh phúc” - ông Hùng hóm hỉnh.

Thầy thuốc như người gieo hạt - 1

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (giữa): “Người làm ngành y hãy cho đi và luôn bồi đắp thêm cái mới”

Được hỏi về những điều trăn trở, GS Hùng cũng thẳng thắn: “Chữ trăn trở không có với tôi nhưng tôi có những ước mơ. Tôi mong nhà nước sẽ xây dựng một chiến lược sức khỏe thực sự, không phải vấn đề cải thiện hay chỉ tiêu mà là một hệ thống BV rộng rãi hơn, nhiều hơn; nhà trường đào tạo tốt hơn; bác sĩ phải gắn với cộng đồng, đừng chỉ bó hẹp mình trong BV”.

Gửi gắm đến các sinh viên y khoa, GS Hùng chia sẻ lời dạy của một người thầy là GS Đào Đức Hoành: Hãy như giếng nước giữa đàng, ai đi qua cũng múc được nhưng giếng vẫn trong vắt. Có ai khuấy làm nước đục, qua vài ngày, giếng lại trong. Việc này cũng như điều mà các bác sĩ, các người thầy trong ngành y luôn tâm niệm và thực hiện: Hãy cho đi và luôn bồi đắp thêm cái mới.

Cho đi và nhận lại

Nhiều người vẫn ngại làm việc trong các khoa “độc hại” của ngành y như khoa nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh…

Tuy nhiên, theo điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Nguyên (BV Nhân Ái), người làm công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, chị đến với công việc này bằng cái duyên và nay đã trở thành sự gắn bó. Ngày trước, cô gái trẻ Ngọc Nguyên đến BV để phụ bếp nhưng thấy những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối phải trải qua những ngày cực khổ, thiếu sự quan tâm của người thân nên đã quyết tâm đi học điều dưỡng và xin về lại BV chuyên chăm sóc bệnh nhân AIDS để công tác. “Cô Nguyên ơi, tôi buồn lắm, tôi đã biết lỗi của mình, sống buông thả mà không nhận ra mọi người vẫn yêu thương mình…” - câu nói của một bệnh nhân ngày xưa vẫn đọng lại trong chị. Anh là một người nhiễm HIV/AIDS, tỏ ra rất lầm lì, xa lánh mọi người trong những ngày điều trị. Cố gắng trò chuyện để đưa anh ra khỏi chiếc vỏ ốc mặc cảm, chị đã giúp anh lạc quan hơn, trở về trong tình thương của gia đình và mọi người xung quanh.

Cũng như ở các ngành nghề khác, hành nghề y ở vùng sâu, vùng xa thiếu thốn cơ sở vật chất là điều ngán ngại với nhiều người. Dù vậy, với BS Luân Thanh Trường - Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - điều đó chỉ làm anh gắn bó hơn với nghề. Điều anh trăn trở là khi điều kiện y tế còn thiếu thốn thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc chu đáo. Có lần, một thai phụ bị băng huyết sau sinh nhưng cứ năn nỉ bác sĩ không chuyển lên BV Từ Dũ mà xin đến BV Gò Công vì không có tiền. Tình hình gấp rút, anh phải thuê xe ôm băng qua địa hình chằng chịt sông nước của huyện Cần Giờ để chuyển viện cho bệnh nhân và đã cứu được chị. Chính sự nghèo khó, cơ cực lẫn bản tính chân chất, hiền hòa của những người dân miền quê đã níu anh lại công tác nhiều năm ở trạm y tế dù từng nhận được nhiều lời mời quay về làm việc ở nội thành.

Cùng với chia sẻ của những người đi trước, nhiều sinh viên, cựu sinh viên y khoa bày tỏ sự quyết tâm, lòng yêu nghề. “Ngành y không chỉ là sự hy sinh mà còn là sự nhận lại. Chỉ một ánh mắt, nụ cười của bệnh nhân cũng giúp tôi thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình” - BS Nguyễn Ngọc Thanh Vân, thủ khoa tốt nghiệp năm 2013 của Trường ĐH Y Dược TP HCM tâm sự. 

Bác sĩ Ngô Mạnh Hùng, Bệnh viện Việt Đức:

Cứu sống bệnh nhân là hạnh phúc

Dịp Valentine (14-2), vợ chồng tôi lên kế hoạch cho một buổi tối lãng mạn nhưng đến chiều thì nhận được lệnh phải lên Cao Bằng vì có bệnh nhân chảy máu trong não rất nặng lại không thể chuyển tuyến. Tới nơi, tôi mổ ngay để cứu bệnh nhân và đến 8 giờ sáng mới về Hà Nội. Dù áp lực công việc như vậy nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành này bởi cái được trong ngành y thì không thể cân đo, đong đếm. Cứu sống được người bệnh là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được.

Điều dưỡng Đào Thị Thủy, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai:

Với tấm lòng người mẹ

Chăm sóc các cháu sơ sinh là công việc hằng ngày của tôi. Với những cháu đẻ non, cầm tay còn lọt nên việc cho ăn, lấy ven đều khó khăn... Vì thế, mọi việc đều phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ với tấm lòng của một người mẹ. Chúng tôi thấy mình chăm bệnh nhân hơn chăm con bởi nhiều khi con ốm chỉ điện thoại, hướng dẫn người nhà chăm sóc chứ không thể bỏ bệnh nhân về nhà. Hết lòng với bệnh nhân nhưng gần đây, trước nhiều dư luận thiếu thiện cảm với ngành y, chúng tôi rất chạnh lòng.

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Viện tim mạch quốc gia:

Áp lực dư luận khiến thầy thuốc chọn giải pháp an toàn

Việc dư luận lên án mặt trái của ngành y bằng cách “vơ đũa cả nắm” tuy không làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh nhưng có thể khiến bác sĩ phải tính đến sự an toàn trong công việc và như thế, người bệnh sẽ thiệt. Trong y khoa có nhiều ca bệnh nặng cần sự quyết tâm của bác sĩ nhưng lại dễ xảy ra tai biến và nếu bác sĩ sợ bệnh nhân kiện cáo thì sẽ chùn bước. Chẳng hạn, một ca bị dập nát chân, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ nhưng nếu hết lòng vì người bệnh, họ mổ trong thời gian dài, tỉ mỉ ghép xương, nối mạch máu, dây thần kinh... thì biết đâu có thể cứu được chân cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể xảy ra biến chứng, thậm chí tử vong và không loại trừ bác sĩ có thể bị gia đình bệnh nhân kiện cáo. Do đó, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải chọn giải pháp “an toàn” đối với những ca quá khó vì “vượt quá khả năng chuyên môn”.

Ngọc Dung ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN