Thắp lên sự sống từ cái chết
Trái với tập quán ngàn xưa là mong một cái chết vẹn toàn, mồ yên mả đẹp, họ trao tặng thân thể mình cho khoa học để giúp sinh viên y khoa trang bị hành trang trong hành trình cứu người.
Thật bình thản, người đàn ông đã đứng tuổi, ăn mặc lịch sự như một công chức ký vào tờ đơn đăng ký hiến thi hài sau khi qua đời tại Văn phòng Bộ môn Giải phẫu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). "Tôi là luật sư, phụ huynh của một sinh viên đang học năm nhất ngành bác sĩ đa khoa của trường" - ông giới thiệu ngắn gọn và xin phép không nêu tên. Theo ông, việc hiến xác chẳng có gì to tát, chỉ là một ước muốn bình dị: Cơ thể mình sau khi chết không tan thành tro bụi một cách vô ích mà có thể góp phần nhỏ để những thế hệ bác sĩ tương lai như con ông được trang bị hành trang vào nghề.
Trả ơn đời thay con
Vị luật sư chậm rãi kể: "Ý nghĩ hiến xác đến từ khi con gái tôi đậu vào ngôi trường này hồi đầu năm và hằng ngày vẫn tíu tít kể với cha về việc học. Qua những câu chuyện ấy, tôi được biết có rất nhiều người đã nằm đó cho con tôi và các bạn cháu có cơ hội được hiểu về cơ thể người, được rèn luyện những nhát dao đầu tiên để mai này có thể vững tay thực hiện công việc của một bác sĩ… Tôi nhìn lại mình, năm nay gần 60 tuổi, đã đủ đầy về vật chất và công việc, có đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi… Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều nên phải làm gì đó cho đời. Khi chết, thân xác cũng về với tro bụi, vậy sao không theo bước những người đang nằm đấy, hiến thi hài để thắp lên sự sống?".
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tưởng nhớ những người đã hiến
thi hài cho khoa học trong lễ tri ân năm 2013
Thực tập trên thi hài là một phần bắt buộc trong chương trình học của sinh viên y khoa. Qua đó, sinh viên nhận được những hiểu biết đầu tiên về cơ thể người thật để rồi mai này, trên cơ thể người sống - nơi không chấp nhận bất kỳ sự bỡ ngỡ, sai lầm nào - họ có thể thực hiện thật tốt việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Theo ThS-BS Lê Quang Tuyền, Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, không ít bậc cha mẹ, người thân của các sinh viên y khoa đã đến trường với ý nguyện được hiến thi hài sau khi qua đời.
Câu chuyện về một người mẹ cũng được bà Hà Thị Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM - cầu nối cho hơn 60 người hiến thi hài cho khoa học, kể lại: "Chị ấy có một cô con gái là bác sĩ, du học ở nước ngoài nhưng tình nguyện về cống hiến cho đất nước. Chị tâm sự rằng đi lên từ nghèo khó, nay cuộc đời đã cho mình đủ đầy thì chỉ có một tâm nguyện là được trả ơn cuộc đời, giúp đỡ những sinh viên y khoa khác như con mình ngày xưa học tập. Không chỉ bản thân, chị còn vận động con gái và 6 người trong gia đình tham gia hiến thi hài".
Chỉ có thân xác này...
Căn phòng nhỏ chưa đến chục mét vuông nằm cuối căn gác gỗ ọp ẹp trong xóm lao động nghèo ở quận 8, TP HCM - nơi sinh sống của gia đình bà Ngô Thị Huệ - có đến 5 người tình nguyện hiến thi hài cho khoa học.
Mơ ước lớn nhất của chị Trần Ngọc Hải Hà là qua thân thể mình, các bác sĩ tương lai sẽ tìm được cách cứu chữa cho bệnh nhân
Chị Trần Ngọc Hải Hà (con bà Huệ) ra đón chúng tôi và kể lại câu chuyện của gia đình mình mà giọng như nghẹn lại: "Gia đình tôi hiện có 7 người: Cha, mẹ, 4 anh em và 1 đứa cháu. Ngoài ra, tôi còn một người anh là liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Campuchia gần 30 năm trước. Lúc trước, cha tôi đi lính và bị nhiễm chất độc nên các con đều dần phát bệnh rồi mất sức lao động. Bây giờ, cả nhà chỉ sống nhờ vào số tiền kiếm được từ việc bán vé số của mẹ, chạy xe ôm của cha..., trong khi hằng tháng còn phải trả tiền thuê nhà".
Nhiều căn bệnh hiểm nghèo một lúc đã khiến tứ chi gần như liệt, lại thêm căn bệnh tâm thần khiến chị Hà lúc mê lúc tỉnh và người đàn bà tuổi 40 ấy phải giam mình trong phòng nhiều năm qua. Vậy mà, một lần trong những giờ tỉnh táo quý giá, chị đã điền vào bộ hồ sơ xin hiến thi hài với ước mong mai này trên thân xác mình, các bác sĩ tương lai sẽ tìm ra cách cứu chữa cho những người bệnh.
Trong một buổi lễ tri ân những người hiến xác, bà Huệ tâm sự: "Đã từng được người ta ngỏ ý mua thận với giá mấy chục triệu đồng nhưng tôi không chấp thuận vì gia đình được mọi người giúp đỡ rất nhiều, trong khi lại chưa làm gì cho cuộc đời này cả. Tôi nghèo, chỉ có thân xác này với mong muốn được cho đi để các bác sĩ tương lai học tập, nghiên cứu". Vợ chồng bà Huệ là những người đầu tiên của gia đình tình nguyện hiến xác. Mới đây, thêm 1 người con nữa của bà đã xin về bộ hồ sơ hiến xác và ngay cả đứa cháu nhỏ cũng cho biết khi đủ tuổi sẽ đi làm đơn…
Cho đời cả sự sống lẫn cái chết Theo các nhân viên kỹ thuật của Bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong những thi hài họ đưa về, có nhiều trường hợp từng là người lính. Sau một thời không màng tính mạng trên chiến trường, họ thanh thản trao tặng thân thể mình với ước nguyện dâng cho đời nốt những gì chiến tranh chưa lấy đi. Gần đây nhất, đơn vị đã tiếp nhận ông T. - Anh hùng Lực lượng Vũ trang mang quân hàm cấp tá và có rất nhiều huân, huy chương. Trong đơn đăng ký hiến thi hài, ông viết: "Tôi đã dành cả cuộc sống của mình để phục vụ đất nước, còn cái chết là để thắp lên sự sống". |
Kỳ tới: Những người dẫn lối