Thành vùng dịch lớn thứ 2 cả nước, khả năng cung ứng oxy cho BVĐK Bình Dương như thế nào?
“Chúng tôi quyết tâm không để người bệnh phải thiếu máy móc, oxy dẫn đến tử vong”, GĐ Bệnh viện Đa khoa Bình Dương khẳng định.
Theo Bộ Y tế, tổng số ca mắc tính từ đầu đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến sáng ngày 11/8 là 32.787 ca. Cùng với các biện pháp khống chế, Bình Dương tích cực điều trị các ca bệnh có chuyển biến nặng.
TS.BS Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Dương, nơi đang giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân nặng ở Bình Dương cho biết, số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng với diễn biến khó lường và còn có thể tăng nữa. Vậy nên, cả hệ thống chính trị của Bình Dương đều vào cuộc để chiến đấu với dịch bệnh.
Các bệnh nhân COVID-19 nặng luôn cần máy thở và oxy được đáp ứng đầy đủ. (Ảnh: Hà Văn Đạo)
“Chúng tôi tập trung rất mạnh vào tuyến điều trị để chăm lo cho người bệnh vì bệnh này diễn tiến nhanh quá. Bình Dương đầu tư nhanh cho cơ sở giường bệnh, phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị và cả con người để giảm tối đa ca nguy kịch, tử vong. Tất cả các y bác sĩ phải tập trung cao cho công tác điều trị, nhất là người có triệu chứng. Các thầy thuốc trong cả nước cũng đã chi viện lực lượng hùng hậu cho Bình Dương nên việc điều trị đang được đẩy mạnh. Chúng tôi làm việc quên luôn ngày tháng”, BS Tân chia sẻ.
Cũng theo TS.BS Văn Quang Tân, tại Bình Dương, tổng lực ngành y tế đang tập trung mạnh để điều trị. Riêng BVĐK Bình Dương tập trung điều trị các ca bệnh nặng, rất nặng và nguy kịch. Là tuyến cuối điều trị COVID-19 ở Bình Dương nên tại đây có rất nhiều bệnh nhân phải thở oxy, máy thở.
Về khả năng cung ứng oxy cho BVĐK Bình Dương, TS.BS Văn Quang Tân cho biết, do SARS-CoV-2 tấn công vào hệ hô hấp, làm tê liệt hệ hô hấp nên oxy cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo oxy cho người bệnh. Khu điều trị COVID-19 của BVĐK Bình Dương hiện có 620 bệnh nhân, bao gồm tất cả các ca có bệnh nền, có người chưa chuyển biến nặng, có cả em bé. Trong số đó có khoảng 250 người phải thở oxy, thở máy.
“Oxy cũng như máy móc, trang thiết bị luôn là vấn đề quan trọng. Chúng tôi đang được hỗ trợ bằng cách mua nhanh, mua chỉ định để kịp cứu người. Bên cạnh đó các mạnh thường quân cũng hỗ trợ nên nhiều người trong cơn nguy kịch đã hồi sinh. Chúng tôi quyết tâm không để người bệnh phải thiếu máy móc, oxy dẫn đến tử vong”, BS Tân nói.
Ngoài ra, việc kết nối hệ thống Telehealth để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 đã và đang được làm mạnh. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ hỗ trợ rất nhiều. Điển hình như kết nối các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Thừa Thiện-Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy…Có trường hợp nặng sẽ hội chẩn ngay qua trực tuyến.
Các chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm đã tư vấn đưa ra các phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Các đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 khác ở Bình Dương cũng đã bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin và đường truyền đầy đủ để sẵn sàng cho việc hội chẩn trực tuyến, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn giỏi để điều trị các ca bệnh COVID-19 luôn được bổ sung.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại diện Bộ Y tế đã đề xuất mô hình điều trị theo hình tháp 3 tầng, để tối ưu hoá nguồn lực hiện có.