Thanh niên 32 tuổi suýt tử vong vì hút thuốc lá điện tử theo cách này, những hiểm họa đáng sợ nhiều người chưa biết
Trước khi nhập viện, thanh niên này hút thuốc lá điện tử suốt cả đêm ở quán bar. Việc hút thuốc lá điện tử trong phòng kín, phòng điều hòa làm cho bụi mịn trong khói thuốc dễ đi vào sâu phế nang, phổi hơn...
Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo rất nhiều lần trong gần 10 năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng không những không giảm xuống mà còn tăng nhanh.
Ảnh minh họa
Mới đây nhất là trường hợp nam bệnh nhân 32 tuổi, đến cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu do đột ngột bị khó thở và cảm giác tức ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi choáng tim, viêm cơ tim cấp, tổn thương thận cấp…, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Lúc này, tình trạng nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng hơn, phải đặt nội khí quản và thở máy.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân mua và sử dụng thuốc lá điện tử nhiều. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đi chơi đêm trong một quán bar. Tại đây, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử suốt cả đêm. Đến gần sáng, bệnh nhân bị nôn mửa, mệt mỏi và phải nhập viện.
Các bác sĩ cho biết, việc hút thuốc lá điện tử trong phòng kín, hay phòng điều hòa là yếu tố làm cho bụi mịn trong khói thuốc dễ đi vào sâu phế nang, phổi hơn, khiến bệnh nhân bị EVALI (tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử).
Hiểm họa từ thuốc lá điện tử, nhiều người không biết
Ảnh minh họa
Thuốc lá điện tử được tô vẽ là sản phẩm ít độc hại hơn thuốc lá điếu truyền thống; đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng vì không làm ảnh hưởng đến người chung quanh do khói có mùi thơm, ít độc hại và có sức thu hút giới trẻ bởi thể hiện được “chất chơi”.
Về hình dáng cơ bản, thuốc lá điện tử ban đầu có dạng hình như điếu thuốc hoặc thỏi son, thoạt nhìn rất bắt mắt và vô hại, đa dạng hương vị nhẹ nhàng cho bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể dùng thử.
Nhưng về cơ chế hoạt động, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng khoang chứa dung dịch có chất nicotine hoặc thành phần thuốc lá, chất tạo mùi, rồi hóa hơi với nhiều hương vị (bạc hà, cam, dâu tây, sô-cô-la, caramen,...) để người sử dụng hít vào. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, trong thuốc lá điện tử, hàm lượng chất gây hại như nicotine, CO, benzopyren,... lớn gấp nhiều lần thuốc lá điếu.
Nguy hiểm hơn, để “tăng độ”, nhiều bạn trẻ tự ý cho thêm các chất hướng thần, gây nghiện, gây ảo giác vào dung dịch này để kích thích sự hưng phấn khi sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về lối sống, sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Những người cần tránh xa thuốc lá điện tử
Với những tác hại nói trên, giới y khoa đều khuyến cáo mọi người nên tránh xa thuốc lá điện tử, đặc biệt là những người trẻ tuổi, phụ nữ mang thai... Nếu muốn cai thuốc thì cần phải có quyết tâm, và nên sử dụng các phương pháp khác, thân thiện và có lợi hơn.
Riêng nhóm người trẻ không nên lạm dụng thuốc lá điện tử hoặc dùng để giải trí, còn dùng để cai thuốc lá thì nó chỉ tác dụng ở nhóm đã nghiện thuốc lá truyền thống trước đó. Giới trẻ không nên quá tin vào quảng cáo, dễ gây nhầm lẫn. Tốt nhất không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhiều người khi nhận được kết luận ung thư phổi rất lo lắng và thắc mắc: chồng tôi hút thuốc lá mà tại sao tôi lại mắc ung thư phổi?