Tháng 10 sẽ sử dụng lại vắc xin Quinvaxem
Từ tháng 10, vắc xin Quinvaxem sẽ chính thức tái sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Bình, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hôm qua (24/9).
Theo ông Bình, dừng tiêm vắc xin Quinvaxem trong 5 tháng vừa qua là quyết định rất khó khăn của Bộ Y tế. Đến nay, sau khi các chuyên gia điều tra các trường hợp tử vong nghi do liên quan đến vắc xin, Bộ Y tế đã lấy mẫu các lô vắc xin có nghi ngờ. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc xin Quinvaxem an toàn.
Tuy nhiên, ông Bình vẫn lo lắng, sau khi dừng tiêm vắc xin Quinvaxem quá lâu, người dân sẽ trễ nải không cho con đi tiêm. Do đó, tỉ lệ tiêm vắc xin này sẽ thấp đi.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định, hiện nay Bộ đã có hơn 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem chuẩn bị cho các điểm tiêm chủng. Tuy nhiên, tái sử dụng Quinvaxem, sẽ vẫn có phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra.
GS Hiển lý giải, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, không có loại vắc xin nào phòng bệnh cho tất cả mọi người mà lại không có phản ứng nào ngoài mong đợi. “Tôi cũng rất lo lắng có thể xảy ra phản ứng nặng gây tử vong, vì thế cần đẩy mạnh an toàn tiêm chủng”, GS Hiển nói.
Trước khi đưa vắc xin Quinvaxem vào sử dụng, Bộ Y tế sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố ngày 27/9 nhằm nâng cao, giám sát an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Vắc xin Quinvaxem chính thức được sử dụng lại vào tháng 10/2013
Để đảm bảo chuyên môn, Bộ Y tế cũng yêu cầu các điểm tiêm chủng không được nhận tối đa quá 50 trẻ và phải tư vấn, thực hiện kỹ thuật tiêm theo đúng quy trình. Theo đó, quy trình tiêm chủng sẽ được siết chặt, tăng cường kiểm tra về kỹ thuật tiêm, bảo quản.
Các chuyên gia cũng khẳng định quy trình và kỹ thuật tiêm chủng không có gì mới. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ thời gian khám sàng lọc, tư vấn về an toàn tiêm chủng, chăm sóc trẻ sau tiêm cho các gia đình, Bộ Y tế quy định mỗi điểm tiêm không được nhận quá 50 trẻ/ngày. Nếu như trước đây, các xã, phường chỉ tổ chức tiêm chủng 1 ngày/tháng thì sắp tới, tùy vào số lượng trẻ mà các điểm sẽ tăng thời gian tiêm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân trong thời gian tới. Công việc nữa là xốc lại toàn bộ công tác tiêm chủng kể cả tập huấn cho các đối tượng trực tiếp làm công tác tiêm chủng.
Các chuyên gia cũng lưu ý, các cán bộ tiêm chủng phải tăng cường tiêm chủng an toàn, từ quy trình tiêm, hỏi tiền sử của trẻ trước tiêm, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm, có chỉ định đúng, có tư vấn cho gia đình trẻ về chăm sóc bé sau tiêm như nếu đã có tiền sử dị ứng với mũi tiêm thứ nhất thì cẩn trọng ở mũi hai, đưa ngay đến cơ sở y tế khi bé có biểu hiện sốt kéo dài, khóc thét trên ba giờ, co giật trong ba ngày sau tiêm...
Về phía gia đình, nên hiểu rõ con tiêm vắc xin gì, có hạn chế gì, chống chỉ định thế nào và hợp tác với cán bộ y tế như thông báo tiền sử sinh đẻ: bé có sinh non không, có biểu hiện bất thường trong ba ngày gần đây không...
Cách đây 5 tháng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù chưa có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng có liên quan đến vắc xin nhưng để thận trọng hơn và đảm bảo an toàn tối đa cho tiêm chủng. Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem (dự kiến trong khoảng 3 tháng) để các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng liên hợp quốc và các nhà khoa học khác trên thế giới tiến hành đánh giá tổng thể về vắc-xin này ở Việt Nam và gửi các lô vắc-xin sang phòng kiểm định độc lập tại nước Anh để kiểm định lại chất lượng vắc-xin. |